Non nước Việt Nam

Mường Lò truyền dạy nét đẹp văn hóa đồng bào Thái trong nhà trường

Cập nhật: 09/12/2021 07:40:54
Số lần đọc: 831
Ở Mường Lò, việc truyền dạy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc không chỉ được các thế hệ đi trước tâm huyết thực hiện, mà gần đây đã đưa vào giảng dạy tại trường học rất hiệu quả và thiết thực; từ đó không chỉ đào tạo nên một thế hệ có tri thức mà còn thấm nhuần giá trị văn hóa quý báu.


Trường Tiểu học và THCS Lý Tự Trọng đóng trên địa bàn phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ có hơn 40% học sinh là đồng bào dân tộc Thái. Ngoài các chương trình chính khóa, nhà trường còn hướng học sinh đến các buổi sinh hoạt ngoại khóa với nhiều trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ đậm đà bản sắc dân tộc. Nhà trường cũng thành lập các câu lạc bộ nhạc cụ, câu lạc bộ múa xòe, câu lạc bộ chữ Thái… Thông qua đó, các em học sinh không chỉ được gặp gỡ, giao lưu, vui chơi, giải trí mà còn được tìm hiểu về các nét đẹp văn hóa của dân tộc mình...

Nhiều nét văn hóa truyền thống đã được truyền dạy cho học sinh ở Mường Lò thời gian qua.

Em Lò Thị Bảo Chi - học sinh lớp 7B, Trường Tiểu học và THCS Lý Tự Trọng nói: "Ở nhà em cũng được ông bà, bố mẹ dạy cho tiếng Thái, đến trường em cũng được học tiếng Thái. Có chữ thì rất khó nhưng học một thời gian em thấy dễ hiểu và rất thích học".

Thầy giáo Lê Thanh Tùng cho biết nhà trường đã đưa hình thức dạy tiếng và chữ Thái vào các câu lạc bộ để duy trì cho các em muốn học và yêu thích văn hóa Thái: "Các em học tập hăng say và yêu thích môn học này. Cũng có một số khó khăn vì học sinh trên địa bàn đa dạng về dân tộc, vì vậy khi đưa vào để truyền dạy thì các em khó tiếp thu. Trên địa bàn có người Thái trắng và Thái đen nên giáo viên cũng phải lựa chọn hình thức, sao cho các em dễ hiểu nhất và đúng phương ngữ của các em".

Giờ ngoại khóa về văn hóa Thái.

Trường Tiểu học và THCS Hoàng Văn Thụ (thị xã Nghĩa Lộ) có 98% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 95%. Nhà trường đã lồng ghép các chương trình giáo dục địa phương vào từng môn học, truyền dạy cho học sinh về kiến trúc nhà sàn, trang phục, ẩm thực truyền thống dân tộc Thái, các làn điệu dân ca, trò chơi dân gian, nhạc cụ dân tộc... Các thầy, cô giáo được phân công nhiệm vụ truyền dạy văn hóa cũng tích cực tìm hiểu, sưu tầm tranh, ảnh qua sách, báo để khai thác, nắm bắt các nét văn hóa truyền thống của địa phương, từ đó có thêm kiến thức nhằm truyền dạy cho học sinh được tốt hơn.

Cô giáo Đặng Thị Hồng Ánh - Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Hoàng Văn Thụ cho biết câu lạc bộ chữ Thái cổ của nhà trường sinh hoạt 2 lần/tháng. Nhà trường phân công các giáo viên là người đồng bào dân tộc Thái có niềm đam mê, am hiểu về văn hóa cũng như tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình để hướng dẫn, truyền dạy cho các em học sinh.

"Từ năm học 2019 – 2020, chúng tôi đã có ý tưởng đưa chữ viết Thái cổ cũng như những bài khắp Thái vào trong hoạt động của nhà trường. Chúng tôi liên hệ với nghệ nhân Lò Tiên Dung để dạy các cô giáo và các em học sinh đội nòng cốt về chữ Thái cổ; mời nghệ nhân Điêu Thị Siêng dạy khắp Thái. Sau đó, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền để các em học sinh có nguyện vọng, yêu thích chữ Thái cổ và mong muốn bảo tồn văn hóa dân tộc Thái thì đăng ký và hoạt động tại các câu lạc bộ" - cô giáo Đặng Thị Hồng Ánh nói.

Dạy chữ Thái cổ cho các em học sinh ở Mường Lò.

Bà Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc được đưa vào các trường có đông học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số từ năm học 2019 – 2020. Đến nay hoạt động này vẫn được các nhà trường duy trì thường xuyên và mang lại hiệu quả tích cực; giúp các em học sinh nâng cao nhận thức, ý thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bà Lò Thị Tuyết Dung nói: "Chúng tôi đưa các hoạt động như mặc trang phục dân tộc, trang trí khuôn viên lớp học dưới hình thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của địa phương; thành lập các câu lạc bộ về tìm hiểu các giá trị văn hóa địa phương, trong đó câu lạc bộ về khèn bè, chữ Thái cổ đã được đưa vào nhà trường từ năm học 2019 – 2020. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiến tới đưa việc giảng dạy, truyền dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc khác vào nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế vùng miền của từng địa phương, cũng là để ngành giáo dục góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hóa".

Việc bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc sắc giờ đây không còn là khẩu hiệu, mà đã được thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái hiện thực hóa bằng cách làm cụ thể. Từ đây, một thế hệ con em đồng bào các dân tộc thiểu số được đào tạo không chỉ vững vàng về tri thức mà còn am hiểu văn hóa dân tộc mình, tiếp nối các thế hệ đi trước xây dựng quê hương ngày càng hạnh phúc, ấm no, đậm đà bản sắc./.

Đinh Tuấn

 

Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT