Non nước Việt Nam

Giữ “hồn Việt” nơi đất khách

Cập nhật: 27/07/2021 14:50:07
Số lần đọc: 836
Với tình yêu quê hương, đất nước, nhiều bạn trẻ sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài vẫn quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt nơi xứ người. Đây chính là cách người trẻ thể hiện tình yêu quê hương, đất nước bằng những hành động, việc làm thiết thực nhất.


Giới thiệu ẩm thực Việt

Đối với người Việt sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài thì các món ăn Việt luôn gắn với ký ức đẹp, mang hương vị quê hương mà dù đi bất cứ nơi nào vẫn luôn đau đáu nhớ về. Đây cũng là lý do chị Phan Lê Thanh Thảo (quê Long An, đang sinh sống, làm việc tại Cộng hòa Séc) quyết định mở quán Chị Hai. 


Quán Chị Hai chuyên kinh doanh món ăn Việt, không gian quán đậm chất Việt Nam

Quán Chị Hai chuyên kinh doanh các món ăn Việt. Trước khi mở quán Chị Hai đậm chất Việt, gần 8 năm qua, mỗi khi có dịp về Việt Nam, chị Thanh Thảo đi khắp nơi từ Nam ra Bắc học nấu các món ăn đặc trưng của từng vùng, miền. Chị Thanh Thảo trải lòng: “Khi mới sang Cộng hòa Séc học tập, tôi nhớ các món ăn Việt nhưng tìm mua rất khó, còn khi mua được thì cũng không trọn vẹn hương vị quê nhà. Do đó, tôi ấp ủ ý định mở quán ăn Việt, vừa để phục vụ nhu cầu bản thân, vừa giới thiệu món ăn Việt đến bạn bè trên thế giới. Sau khi mở quán, tiêu chí đầu tiên của tôi là phải giữ được cái “hồn” của từng món ăn, không được pha chế, lai tạo; đồng thời, khi làm món mới thì phải giới thiệu về nguồn gốc từng món ăn, đặc điểm, nguyên liệu,…”.

Có theo dõi Facebook và những buổi livestream của chị Thanh Thảo, chúng ta sẽ cảm nhận được cái tâm của chị đặt vào từng món ăn Việt. Chị tỉ mỉ chăm chút cho từng món ăn, thay đổi các món ăn liên tục theo mùa. Không chỉ có món ăn Việt, cách trang trí quán của chị Thanh Thảo cũng rất độc, lạ. Không gian quán được bố trí rất khéo léo, đậm chất vùng, miền như miền Trung có đèn lồng, miền Nam có cánh đồng mùa nước nổi,… Tất cả nét đặc trưng của từng vùng, miền được chị khéo léo bố trí trong không gian quán, góp phần mang đến hứng thú cho khách hàng và tạo điểm nhấn cho quán.

Đến quán Chị Hai, khách hàng không chỉ được thưởng thức ẩm thực Việt mà còn được tìm hiểu nét văn hóa của người Việt. Chính điều này làm nên thương hiệu quán Chị Hai. Riêng dịp Tết Nguyên đán, chị Thanh Thảo sẽ trang trí quán theo phong cách Tết Cổ truyền của người Việt với câu đối, hoa mai, hoa đào. Đặc biệt, chị còn livestream hướng dẫn người Việt ở Cộng hòa Séc cách trang trí Tết Việt. Hiện nay, chị Thanh Thảo chuẩn bị mở rộng quy mô buôn bán của quán Chị Hai gấp 2 lần, dự kiến đầu tháng 8/2021 sẽ khai trương. 

Chị Thanh Thảo cho biết thêm: “Tôi hiện là giám đốc công ty tổ chức sự kiện ở Cộng hòa Séc. Công việc tuy bận rộn, phải thường xuyên thức khuya, dậy sớm nhưng tôi vẫn sắp xếp thời gian làm các món ăn Việt. Đối với tôi, việc kinh doanh quán không đơn thuần là lợi nhuận mà muốn gìn giữ văn hóa ẩm thực Việt nơi xứ người. Tất nhiên, ở đâu không có heo, gà, vịt nhưng cách chế biến mỗi nơi mỗi khác, vì vậy mình phải giữ được cái hồn của món ăn Việt thì mới khẳng định được nét đặc trưng của người Việt”.

Mỗi món ăn Việt luôn chứa đựng một câu chuyện, gắn với những phong tục, tập quán khác nhau mà không phải ai cũng biết rõ ngọn nguồn. Thưởng thức, tìm hiểu về món ăn Việt sẽ giúp nhiều người, nhất là bạn bè thế giới thêm yêu nét văn hóa ẩm thực lẫn con người của dải đất hình chữ S. 

Tự hào về quê hương, đất nước, con người Việt Nam

Cách đây hơn 2 năm, bạn Phạm Tấn Thạch, ngụ xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại Nhật Bản. Tại đất nước hoa anh đào, vào những ngày lễ, tết, Tấn Thạch cùng các bạn là người Việt Nam tổ chức các bữa ăn Việt, chẳng khác nào ở quê nhà. Ở đó, các bạn nấu các món ăn truyền thống như thịt kho tàu, bánh tét,… Đặc biệt, Tấn Thạch còn mời thêm bạn là người Nhật cùng thưởng thức ẩm thực Việt để giới thiệu về phong tục, tập quán của nước mình. Tấn Thạch trải lòng: “Khi mình giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, các bạn người Nhật đều rất thích, ao ước một lần đến Việt Nam để ngắm cánh đồng mùa nước nổi của vùng Đồng Tháp Mười, cùng người dân ra đồng bắt cá, sau đó thưởng thức các món đồng quê hay có dịp thăm các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh”.


Bạn Tấn Thạch sẵn sàng giới thiệu với bạn bè Nhật về phong tục, tập quán của người Việt

Sinh ra và lớn lên ở vùng Đồng Tháp Mười - nơi có cảnh sông nước hữu tình, con người hiền hòa, nhân hậu, khi sống xa quê, Tấn Thạch càng thêm yêu và nhớ thương da diết. Tấn Thạch chia sẻ thêm: “Ngoài giới thiệu với bạn bè Nhật về đất nước, con người Việt Nam, tôi còn học hỏi được từ các bạn về ý thức bảo vệ môi trường. Dự kiến, sau khi về Việt Nam, tôi sẽ vận động bạn bè, người thân thành lập nhóm chuyên ra quân dọn vệ sinh các con kênh ô nhiễm, qua đó góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng ý thức cho người dân quê mình”.

Mỗi người trẻ có cách thể hiện tình yêu quê hương, đất nước khác nhau. Chị Thanh Thảo và bạn Tấn Thạch đã chọn cách thể hiện tình yêu quê hương, đất nước bằng việc giữ gìn phong tục, tập quán của người Việt nơi xứ người. Các bạn góp phần tạo nên hình ảnh đẹp, ấn tượng đối với bạn bè trên thế giới về đất nước hình chữ S./.

Kim Ngọc

Nguồn: Báo Long An

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT