Lâm Đồng: Khơi dòng chảy văn hóa Tày
Cây đàn Tính và điệu hát Then từ lâu đã gắn bó với đời sống tinh thần người Tày
Bà Phan Thị Niệm, Chủ nhiệm CLB hát Then đàn Tính xã Lộc Ngãi, nhấn mạnh rằng, Then là tài sản tinh thần vô giá của người Tày. Họ thường sử dụng Then vào những dịp trọng đại như: Lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc... Người Tày dùng tiếng đàn Tính, cùng những làn điệu Then để bày tỏ nỗi niềm, chuyển tải những tâm tư đến Mường Trời. Gìn giữ và phát huy hát Then đàn Tính là nhiệm vụ của những người con dân tộc Tày. “Tôi đam mê lượn Then từ thuở mười tám đôi mươi, ngày còn ở quê ngoài miền Bắc. Từ ngày vào trong miền Nam lập nghiệp, ít có điều kiện tiếp xúc với văn hóa truyền thống của người Tày, nhưng niềm đam mê món ăn tinh thần của dân tộc mình vẫn không đổi. Thế rồi, năm 2016, tôi quyết định về Bắc một chuyến, tìm gặp những nghệ nhân hát Then đàn Tính nhờ họ chỉ dạy những nét cơ bản về nhạc, về cách cầm đàn, về cách hát... Sau đó, tôi đem những cái đã học truyền đạt lại cho các chị em trong CLB hát Then đàn Tính xã Lộc Ngãi”, bà Niệm cho biết.
Then là một loại hình nghệ thuật dân gian vô cùng đặc sắc, bao gồm nhiều yếu tố như ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật, biểu diễn... Then chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội và cả phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Tày. Nội dung chủ yếu của Then là ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu thiên nhiên, mong muốn nhân an vật thịnh, cầu cho mưa thuận gió hòa. Ngày nay, người Tày còn dựa trên các điệu Then cổ, sáng tác thêm những điệu Then mới phù hợp với hơi thở thời đại, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, cổ vũ phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Với giai điệu mượt mà, sâu lắng, âm hưởng mềm mại, đầm ấm, mỗi khi điệu Then cất lên, người dân Tày cảm thấy sự gần gũi, thân thiết và thiêng liêng. Sức sống của Then, sự truyền cảm của Then nằm ở khả năng thẩm thấu các giá trị văn hóa của người dân Tày đối với Then từ thế hệ này đến thế hệ khác. Then gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người Tày. “Để hát Then không bị mai một, chúng tôi tổ chức hướng dẫn cho những người trẻ các điệu Then cổ, cách đánh đàn Tính, cách biểu diễn và các nghi lễ gắn với hát Then. Từ đó, khơi gợi tình yêu Then trong những người trẻ, để cùng chung tay gìn giữ di sản truyền thống của ông bà mình”, bà Niệm chia sẻ. “Mới đầu học và tập luyện hát Then, em thấy rất khó. Nhưng cứ tập mãi rồi quen dần. Giờ đây em thấy, tập luyện hát Then không chỉ là niềm tự hào, yêu mến, mình còn phải có trách nhiệm lưu truyền những điệu Then của quê hương”, chị Triệu Hồng Hân, một người trẻ trong CLB hát Then đàn Tính xã Lộc Ngãi tâm sự. Không giấu được niềm vui khi điệu Then quê hương đã có những người trẻ gìn giữ, bà Niệm phấn khởi: “Thấy các cháu hứng thú với các điệu Then của quê hương, tôi vui lắm. Bây giờ, các cháu giỏi lắm, không chỉ hát được những điệu Then cổ, còn tự sáng tác thêm những điệu Then mới, làm phong phú thêm nét đẹp cổ truyền của dân tộc mình”.
Theo ông Mai Việt Khoa, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Lâm, những năm qua, địa phương luôn chú trọng đến công tác phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ ở cơ sở. Mà việc thành lập các câu lạc bộ, các đội văn nghệ, đội cồng chiêng trong thời gian qua đã nói lên nỗ lực của địa phương. Qua thống kê, Bảo Lâm hiện có hơn 100 câu lạc bộ, đội văn nghệ, đội cồng chiêng. “Những năm qua, Bảo Lâm đã hỗ trợ các địa phương mua và sưu tầm 6 bộ cồng chiêng, 45 cây đàn Tính, hơn 100 bộ trang phục truyền thống của người Mạ, K’Ho, Tày, Nùng, H’Mông, cũng như phối hợp với sở, ngành tổ chức 2 lớp truyền dạy đàn Tính hát Then, 20 lớp truyền dạy cồng chiêng cho hơn 400 người. Qua những việc làm thiết thực như vậy, phong trào văn hóa - văn nghệ đã có nhiều tác động tích cực đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tại địa phương”, ông Khoa nói rõ.
Trịnh Chu