Non nước Việt Nam

Hà Giang: Đồng Văn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số

Cập nhật: 12/12/2023 11:39:36
Số lần đọc: 674
Huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang có 18 dân tộc cùng sinh sống, những năm qua công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được địa phương đặc biệt quan tâm.

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của người dân nơi đây, tình hình KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã có bước phát triển rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh; giáo dục, y tế được quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy; tình hình an ninh, trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.

Nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, UBND huyện Đồng Văn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về vai trò, vị trí của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, từ đó xây dựng nếp sống văn hóa mới phù hợp với địa phương. Huyện duy trì hệ thống loa truyền thanh không dây tại cơ sở; phát huy tuyên truyền miệng, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đến nay, tại các xã, thị trấn người dân nhận thức rõ việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phụ nữ Lô Lô Chải và khách du lịch (Ảnh Nam Nguyễn)

Trong đó công tác bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc được quan tâm như: Bảo tồn, phục dựng và phát huy các lễ hội: Gầu Tào của dân tộc Mông xã Sà Phìn, Sủng Là, Phố Cáo; lễ hội khèn Mông, lễ Cúng Tổ tiên của dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú. Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, ẩm thực, trang phục, kiến trúc, khuôn viên nhà ở. Một số vật dụng thủ công được sưu tầm, gìn giữ và trưng bày tại các nhà văn hóa thôn như: Quẩy tấu, lưỡi cày, muôi gỗ, trõ đồ mèn mén, mẹt, khung cửi, trống đồng... Nhiều tín ngưỡng, tập quán, nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian cũng được quan tâm bảo tồn, phát huy. Huyện cũng chú trọng xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng. Hiện đã xây dựng được 3 làng văn hóa du lịch cộng đồng gồm: Thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là (dân tộc Mông), thôn Lô Lô Chải xã Lũng Cú (dân tộc Lô Lô), thôn Ma Lé, xã Má Lé (dân tộc Giấy). Ngoài ra, công tác bảo tồn một số làng nghề truyền thống và hợp tác xã tiếp tục được củng cố, góp phần đa dạng hóa phát triển các nhóm sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề, sản xuất các mặt hàng nông sản, thủ công truyền thống, hàng lưu niệm độc đáo, được đưa ra phục vụ bà con nhân dân và du khách như: Bánh Tam giác mạch, hạt dền; rượu ngô, rượu Tam giác mạch; thổ cẩm lanh trắng...

Chợ Sà Phìn, huyện Đồng Văn

Thực tế, để các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy, các cấp, ngành cần quan tâm tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sâu rộng các sản phẩm văn hóa thông qua các hội thi, liên hoan, giao lưu văn hóa, văn nghệ gắn với hoạt động du lịch nhằm phát huy tối đa giá trị của các di sản văn hóa; có chính sách công nhận và đãi ngộ cho các nghệ nhân dân gian, nhất là đối với các nghệ nhân dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện như Mông, Lô Lô, Giấy... Chú trọng điều tra, sưu tầm, phục dựng các lễ hội truyền thống gắn phục hồi và lưu giữ cho thế hệ sau biết và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình. Tăng cường sưu tầm hiện vật về văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn để bảo quản, trưng bày nhằm giới thiệu rộng rãi đến nhân dân và khách du lịch trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Xác định bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới là nhiệm vụ trọng tâm, cần thực hiện song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế. Những năm qua, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc đã và đang được bảo tồn và phát triển. Nhờ đó, góp phần tích cực trong giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu, nêu gương tiên phong đi đầu của cán bộ, đảng viên trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo các xã, thị trấn lựa chọn nội dung tuyên truyền thiết thực, phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào, đảm bảo đúng định hướng tư tưởng của Đảng và Nhà nước.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc của huyện Đồng Văn bám sát nghị quyết của đại hội XIII của Đảng về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc".

Như Thủy

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 11/12/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT