Lang thang với người miền Tây
Chiếc giường cưới rực rỡ
Lang thang miền Tây một tháng, bệnh viêm mũi, viêm xoang của tôi đã giảm hẳn đi nhờ ánh nắng. Những ngày cuối năm Hà Nội ít nắng và không khí ô nhiễm khiến cái mũi, họng của tôi liên tục phải chịu đựng. Nhưng chỉ vài ngày ở Cần Thơ, tắm nắng no nê khi lang thang đi bộ ngắm cảnh ở bến Ninh Kiều, ở nhà cổ Bình Thủy hay khu Nhị Kiều đã giúp tôi hồi sức. Đường hô hấp khô ráo và thông thoáng. Tôi cảm thấy tinh thần phơi phới mỗi khi nhìn lên bầu trời xanh trong và cảm nhận hơi ấm của ánh nắng trên làn da. Đúng là thiên nhiên có khả năng chữa lành thật sự.
Rời Cần Thơ, chúng tôi tới Châu Đốc và liền bị cuốn hút bởi sự đa dạng của văn hóa bản địa. Chúng tôi nghỉ lại một homestay nhỏ ngay khu trung tâm để cho việc đi bộ ngắm cảnh. Khác với khu trung tâm có phần hơi “du lịch hóa” ở Cần Thơ hay hơi “thương mại hóa” ở Long Xuyên, khu trung tâm ở Châu Đốc không có nhiều nhà cao tầng. Những dãy phố nhỏ với những căn nhà một, hai tầng chạy dọc. Đường phố be bé và những biển hiệu tên tiếng Hoa được kẻ vẽ rất riêng. Đi bộ trong khu trung tâm ta cũng có thể ngắm được bình minh hay hoàng hôn mà tầm nhìn không bị che lấp. Qua mỗi dãy phố, ta sẽ thấy ấn tượng khi thấy niềm tin tinh thần được thể hiện đa dạng, trong sáng, cung kính và khiêm nhường, dù là ở ban thờ hay vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà, nơi ta thấy nào ảnh Bác Hồ, nào ảnh Chúa, nào Phật giáo nguyên thủy, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, nào tượng Quan Công, hay sự choáng ngợp ở những thánh đường Hồi giáo trong làng người Chăm.
Từ TP Châu Đốc, đi một chuyến phà sang sông là tới làng người Chăm ở xã Châu Phong. Chúng tôi tới gặp cô Rofiah là nghệ nhân đổ bánh bò đã hơn 20 năm. Đi từ xa đã nhận thấy chỗ của cô nhờ mẹt bánh bò bày ngay cạnh đường. Chỗ này được người dân bản địa tự hào gọi là “tiệm bánh bò thốt nốt ngon nhất miền Tây”. Chồng cô đón khách, ân cần chỉ ghế bảo chúng tôi ngồi đợi trong khi quay vào nhà để gọi vợ ra tiếp khách.
Cô Rofiah chỉ vào mấy cái bánh, giải thích: “Đây không phải là bánh bò thốt nốt đâu (gọi là Ha-cô). Vì hết mùa rồi. Mùa thốt nốt thì mình đi nhặt nó chín rụng dưới gốc này, rồi mài ra, đem làm bánh mà có thốt nốt thì nó mầu vàng đẹp lắm, mà nó thơm nữa. Hết mùa rồi thì dùng đường nên bánh nó mầu trắng với không thơm bằng. Cây thốt nốt cao lắm, khó trèo thì mình đợi nó chín rụng xuống mình nhặt thôi”.
Cô mời khách ăn thử bánh bò đường kính. Khẩu vị tôi thì vẫn thấy rất ngon, bánh mềm, mướt. Cô bảo ăn nữa đi, rồi cô chỉ mấy cái nắp đất nằm trên bếp “Cái nắp này nó phải rất nóng để bánh nó phồng lên thế này này. Nóng tới nỗi nó nứt ra đấy. Cô đổ bánh được 20 năm rồi đấy”. Rồi cô lại chỉ cái mái hiên trông lớp tôn như mới được lợp “Cái này là ở tỉnh làm cho đấy. Chứ mình nghèo làm gì có tiền. Người ta bảo làm chỗ che mưa che gió. Trước là mình ngồi lùi ra rìa đường thế này, có khi bị mưa. Mới làm xong mái che thì mình ngồi lùi vào trong để không mưa nắng, nhưng mà người ta đi qua không thấy người ta tưởng mình nghỉ làm bánh rồi. Giờ mình lại ngồi ra ngoài thêm tí. Mình bày bánh ra ngoài đường thế kia cho người ta còn thấy mà mua”.
Câu chuyện lại tiếp sang chiếc giường cưới được trang trí rất đẹp mà chúng tôi thấy ở nhà chị Sofiah gần đó. Cô Rofiah bảo, cái giường cưới mà càng nhiều mầu sặc sỡ thì càng mang tính chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Cô dâu sẽ thích tự trang trí cái giường này, có khi còn tự tay dệt những tấm vải này. Cái giường cưới này không phải là chỗ người ta ngủ đâu, mà để cô dâu, chú rể ngồi đó nhận sự chúc phúc của mọi người. Giường này là ở nhà cô dâu. Ở rể mà.
Khi chú rể tới thì được làm lễ rửa chân nữa. Khi qua hết các lễ thì chú rể vào chiếc giường cưới mà cô dâu đã ngồi sẵn rồi. Chú rể sẽ tới vén mành che mặt cô dâu, rồi tháo chiếc trâm trên đầu cô dâu nữa, như là biểu tượng thuộc về nhau rồi chú rể cũng ngồi cùng cô dâu trên giường. Khi rước dâu về thì sẽ cầm cái ô này để che đầu. Mà ngày xưa trai gái không biết nhau trước, gia đình mai mối rồi thế là cưới thôi.
“Trước ngày cưới chừng một, hai tháng thì nhà trai cho mang đến những thau đồ để cô dâu chuẩn bị lễ cưới. Đủ hết. Cả váy áo, dầu gội, kim chỉ, vải vóc, mỹ phẩm son phấn các thứ. Tùy nhà mà cho một hay hai thau. Đặc biệt có nhà có Việt kiều cho đồ cưới tới bốn, năm thau to thế này này”. Cô vừa nói, vừa khoát vòng tay thật rộng để miêu tả.
Cô chú Rofiah cưới nhau xưa cũng là do mai mối. Trước ngày cưới không biết mặt nhau. Người mai đi xem mặt thấy ưng rồi thì hai bên gia đình nói chuyện cưới xin. Tới ngày cưới cả hai mới nhìn nhau lần đầu tiên.
Ấy vậy mà cô chú ở với nhau mấy chục năm. Vẫn ríu rít và êm ấm. Chúng tôi không phải thân quen, chỉ ghé qua làm khách. Nhưng cô chú vẫn chào đón nồng nhiệt. Lúc về, cô chú còn tặng thêm lọ mắm ruốc chấm hoa quả đặc sản của người Chăm ở đây.
Cô Rofiah, nghệ nhân đổ bánh bò thốt nốt ở làng Chăm Châu Phong.
Cha con nhà Quậy
Rời nhà cô, chúng tôi đi sang làng chài, tới thăm bè nuôi cá của anh Nghĩa. Anh Nghĩa nuôi cá bè và kinh doanh du lịch, nấu các món ăn địa phương cho khách, rồi bán các sản phẩm lưu niệm như khăn dệt thổ cẩm, rồi túi xách và các sản phẩm chăm sóc da từ dừa. Lúc chúng tôi tới, anh chưa về, nên “nhân viên” của anh tiếp khách giùm. Nhân viên này tên Quậy, là một chú chó đang tuổi thanh niên, mầu vàng rất hiền. Thấy khách lên bè, nó mừng vẫy đuôi tít mù, rồi lại gần dụi đầu đòi gãi. Tôi đưa tay gãi gãi cho nó. Chừng như nó biết người này chơi được nên cứ sáp lại gần đòi gãi cả tai nữa.
Trong đoàn chúng tôi còn có một người dẫn đường là anh Tín, chủ homestay Shelter Châu Đốc, một người trẻ năng động, nhiều tâm huyết với du lịch địa phương. Trong lúc đợi, anh Tín chỉ cho khách xem đàn cá đông nhung nhúc được nuôi dưới bè. Chỉ cần đổ xuống một gáo thức ăn viên là hàng trăm con cùng nhao lên, vẩy nước bắn tung tóe vào mặt, vào người.
“Đây là cá bông lau, cá he, còn có basa nữa, nhưng chúng ở dưới sâu chưa lên chị ạ. Cá này đặc trưng của miền Tây, nhờ cá basa mà dân miền Tây chúng em đỡ đói nghèo đấy chị. Chị đi qua ngã ba sông Tiền, sông Hậu đó, sẽ thấy tượng đài cá basa rất đẹp ở công viên. Món cá kho cũng là đặc sản ở đây luôn. Chị tới các quán cơm nhớ ăn thử cá kho. Chọn cá basa, cá bông lau, cá he gì cũng được, kho với xíu thịt ba rọi, ăn tốn cơm lắm đó”.
Tối đó, tôi ăn cơm canh chua cá linh bông súng ở nhà anh Tín. Cá linh chỉ có mùa nước nổi, giờ cuối mùa rồi, cá béo và to nhưng cũng chỉ được ít bữa nữa thì không còn nữa. Mẹ anh Tín cứ liên tục gắp cá cho khách, nói gắng ăn đi chứ ngoài đó đâu có cá linh mà ăn. Bữa cơm gia đình giản dị, ấm cúng cũng như những con người, những ánh nắng ấm áp đã xua tan những lo lắng, ngập ngừng của chúng tôi từ đầu chuyến đi. Cứ mở lòng ra đi, lắng nghe và cảm nhận, ta sẽ thấy đủ đầy.
Dọc khúc miền Tây, cứ thấy mọi thứ trôi qua yên lành và mới mẻ lạ. Hôm từ giã vùng đất này, chúng tôi đi dạo công viên dọc sông rồi ngắm tượng đài cá basa ánh hồng tím trong chiều hoàng hôn, nhìn ánh sáng rực lên rồi chuyển dần sang trời tối trong tiếng hát văng vẳng của một nhóm các bạn sinh viên đang tập văn nghệ ở đầu kia công viên: