Non nước Việt Nam

Đặc sắc lễ hội đập trống của người Ma Coong

Cập nhật: 19/12/2023 14:06:21
Số lần đọc: 769
Lễ hội đập trống của người Ma Coong không chỉ mang bản sắc riêng từ bao đời mà còn mang âm hưởng thiêng liêng, phồn thực... là dịp dành riêng cho những đôi trai, gái gặp gỡ, hẹn hò tình tứ cùng nhau.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong là một hoạt động văn hóa độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa của tộc người, chứa đựng niềm tin và ước vọng vươn lên của đồng bào, góp phần cố kết cộng đồng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về việc gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau.

Lễ hội được tổ chức một năm một lần vào ngày 16 tháng giêng âm lịch hàng năm. Mục đích của lễ hội nhằm cầu trời, đất cho mưa thuận, gió hòa, nương rẫy được tươi tốt, bản làng được ấm no, khỏe mạnh, gia súc không bị dịch bệnh. Đây cũng là ngày dành riêng cho những đôi trai, gái gặp gỡ, hẹn hò tình tứ với nhau…

Theo truyền thuyết, ngày xưa vùng đất người Ma Coong sinh sống luôn bị lũ khỉ hoành hành. Người Ma Coong rất lo lắng, ban đầu họ đã tìm hết mọi cách nhưng không sao ngăn chặn được và họ nghĩ ra cách dùng tiếng trống để dọa lũ khỉ, khi trống được đánh lên thì thật kỳ diệu, không còn thấy bóng dáng lũ khỉ nữa, nên từ đó năm nào cũng được mùa, đời sống bà con nhờ vậy mà ngày càng sung túc.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong được tổ chức một năm một lần vào ngày 16 tháng giêng âm lịch hàng năm (ảnh:TM)

Để tưởng nhớ công lao của tổ tiên và để cầu cho trong năm mưa thuận, gió hòa, hằng năm vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, người Ma Coong đều tổ chức cúng tế, và sau này đã trở thành lễ hội Đập trống của đồng bào Ma Coong. Khi tổ chức lễ hội là lúc trai gái các bản có dịp gặp nhau… Người Ma Coong quan niệm rằng, nếu năm nào đập được trống vỡ thì năm đó sẽ được mùa to (trống vỡ nhưng không được lấy cây nhọn đâm cho thủng mà phải lấy những thân cây mây làm dùi trống để đập).

Trước khi lễ hội được tổ chức, các già làng sẽ thông báo đến từng thành viên của cộng đồng về mức đóng góp vật chất. Từ tháng 4 âm lịch, sau vụ lúa xuân, đồng bào bắt đầu đóng góp gạo nếp, gà trống. Các bản làng đều phải chuẩn bị đầy đủ và dâng đồ lễ tế như gạo nếp, gà trống, đọt cây mây, cây đoác, rượu hiêng và phải chuẩn bị một thứ rất quan trọng, không thể thiếu đó là trống.

Trống được làm từ nguyên liệu gỗ và da trâu, tang trống của người Ma Coong được làm từ cây "chi cúp", còn mặt trống được làm từ da một con trâu to, chiều 15 tháng giêng bắt đầu xẻ thịt trâu để lấy da bịt trống. Người Ma Coong chọn tấm da đẹp nhất đem xông lên bếp và đến lễ hội thì đem ra bịt mặt trống. Người Ma Coong bịt trống theo cách riêng, họ dùng sợi roi mây rừng xây chéo với nhau, rồi lấy những nêm tre nêm chặt lại, kéo cho mặt trống có hình thù kỳ quặc như một quả cầu gai. "Quả cầu gai" này là hiện thân của tâm linh, của tiếng nói thần kỳ, như tiếng của người Ma Coong giữa rừng xanh đại ngàn không bị khuất phục bởi gió, mưa, thú rừng hoang dã…

Trước khi diễn ra lễ hội đập trống, người Ma Coong có lễ "thả lưới" trên một khúc suối Cấm để bắt cá phục vụ cho việc tế lễ. Nghi thức của lễ hội đập trống diễn ra theo quy định của dân bản rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Bản trao quyền cho người Già bản già nhất, tức là người tìm ra miền đất đang ở (trước đây người dân tộc này di trú 3 năm 1 lần do vị Già bản đi tìm đất đẹp và yên ổn, thuận lợi). Theo nghi thức, lễ hội đập trống được tiến hành theo phần lễ và phần hội.

Phần lễ, vào khoảng vào lúc 17 giờ ngày 16 tháng Giêng, dưới ánh trăng rằm của tháng đầu năm, trong sự thiêng liêng sâu thẳm của núi rừng, già làng thắp sáng những cây nến làm bằng sáp ong, bên mâm cỗ cúng gồm có rượu hiêng, thịt gà nấu với chồi cây mây non, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác, một ít lúa gạo… Trách nhiệm làm mâm cỗ phải là người nhà của các già bản.

Lễ hội là dịp dành riêng cho những đôi trai, gái gặp gỡ, hẹn hò tình tứ cùng nhau (ảnh:TM)

Sau khi kết thúc phần lễ, chủ đất tuyên bố chuyển sang phần hội và cũng là phần rất quan trọng trong lễ hội. Già làng đến trước chiếc trống đặt trang nghiêm trước đài thờ, cầm đoạn gốc của cây mây đập mạnh vào mặt trống một hồi dài, sau đó lần lượt từ già làng, trưởng bản đến mọi người dân thay nhau vào đập trống. Tiếng trống vang lên, từng nhịp trống dồn dập vang xa, vọng vào từng vách núi, phá tan sự tĩnh lặng của núi rừng. Tiếng trống và rượu cần như tiếp thêm sức mạnh cho những người tham gia đêm lễ hội. Dưới ánh trăng, dân bản xa, bản gần ai ai cũng tham gia lễ đập trống, từng tốp người cầm tay nhau nhảy múa, thay nhau trổ tài đập trống. Vừa đập trống, họ vừa hô lớn "Roa lữ giàng ơi" (sướng quá, vui quá trời ơi). Tiếng trống càng về đêm càng thôi thúc, hòa lẫn trong tiếng reo hò của mọi người quanh ánh lửa bập bùng được đốt lên giữa bản Cà Ròong.

Khung cảnh náo nhiệt này chỉ kết thúc khi nào mặt trống vỡ, vì theo quan niệm của người Ma Coong, mặt trống được đập vỡ là thể hiện được sức mạnh đoàn kết dân tộc, giúp họ gắn bó, chung sức, chung lòng xây dựng, bảo vệ làng bản.

Khi trống thủng, lúc này, những ánh lửa đang bập bùng cũng bắt đầu tàn, trả lại màn đêm nguyên thủy cho núi rừng. Những đôi trai gái lâu nay đã có ý, có tình nhưng chưa một lần được đến với nhau, nay không hò hẹn đã tự tìm đến với nhau, cùng nắm tay nhau, dắt nhau đi vào rừng, ra bờ suối, để rồi tự là của nhau trong một đêm. Trước khi gà gáy sáng, họ rời nhau và chia tay, ai về nhà nấy, không bận bịu, không vướng mắc gì nhau, mỗi người lại theo cuộc sống riêng của mình, lại đi làm rẫy, phát nương, làm mùa và hẹn gặp lại vào lễ hội năm sau.

Trải qua nhiều biến đổi, lễ hội đập trống của người Ma Coong vẫn còn giữ nguyên những giá trị văn hóa, không phai mờ, mà ẩn sâu bên trong là tín ngưỡng phồn thực trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cầu mong sự hài hòa âm dương trong cuộc sống./.

Linh Nguyễn

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 18/12/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT