Hà Giang: Sức hút từ ngành “công nghiệp không khói”
Trong 8 tháng của năm 2023, toàn tỉnh đón hơn 1,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 188.000 lượt khách quốc tế và trên 1,7 triệu lượt khách nội địa; tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 4 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, dịp nghỉ lễ 02/9 vừa qua, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh đạt trên 75.000 người, tăng hơn 78% so với dịp nghỉ lễ 02/9 năm 2022, trong đó có trên 4.500 lượt khách nước ngoài và hơn 71.000 lượt khách nội đị; tổng doanh thu từ du lịch đạt 177 tỷ đồng.
Sông Nho Quế (Mèo Vạc) – điểm du lịch không thể bỏ qua đối với nhiều du khách.
Có thể điểm danh một số điểm du lịch thu hút đông du khách đến tham quan, trải nghiệm như: Đèo Mã Pì lèng, sông Nho Quế, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn, Bảo tàng tỉnh, Dinh thự nhà Vương, danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Một số làng văn hóa du lịch tiêu biểu cũng được du khách lựa chọn đến tham quan như: Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc), Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tha, Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang), Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ)…
Để phát triển du lịch, trên cơ sở Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, tỉnh ta đã ban hành một số chính sách, kế hoạch, đề án để phát triển du lịch; đây là những hành lang pháp lý quan trọng tạo nền tảng thúc đẩy phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Cùng đó, tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển du lịch và Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn...
Khách du lịch trải nghiệm các hoạt động văn hóa tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn).
Phát triển sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, có tính cạnh trạnh cao là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Theo đó, tỉnh tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu riêng có của du lịch Hà Giang theo không gian Đông Bắc, Tây Nam và khu trung tâm. Các sản phẩm chủ đạo là những giá trị văn hóa bản địa của 19 dân tộc gắn với làng văn hóa du lịch cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Đến nay, toàn tỉnh có gần 100 điểm du lịch đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở loại hình du lịch tâm linh, cộng đồng, văn hóa và danh lam thắng cảnh; có 6 làng nghề có sản phẩm OCOP từ 3 – 4 sao phục vụ du lịch; có 31 di tích, danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia và 30 di tích, thắng cảnh được xếp hạng cấp tỉnh; 22 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nhiều lễ hội, hoạt động thể thao được tổ chức thường niên thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Mới đây, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 10 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đến năm 2028 trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là một bước đột phá mới trong thu hút đầu tư du lịch, trong đó trọng tâm là 3 chính sách hỗ trợ về xây dựng trạm dừng chân, xây dựng sản phẩm du lịch mạo hiểm và hỗ trợ trực tiếp cho các làng văn hóa du lịch tiêu biểu được tỉnh công nhận.
Thực tế cho thấy, Hà Giang đang là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch, minh chứng là lượng khách du lịch đến tỉnh không ngừng tăng qua các năm, bình quân tăng trên 15%/năm. Đáng chú ý, đầu năm 2023, tỉnh Hà Giang vui mừng được tờ báo nổi tiếng của Mỹ The New York Times đưa vào danh sách 52 điểm đến toàn cầu năm 2023; Tạp chí Du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet (Australia) bình chọn Hà Giang nằm trong top 10 điểm đến tuyệt vời nhất Việt Nam năm 2023…
Bài, ảnh: Trần Kế