Hà Nam: Gìn giữ nét đẹp của Chèo truyền thống
Ông Cao Xuân Ngọc chia sẻ, từ khi thành lập, CLB đã trải qua nhiều khó khăn. Có những thời điểm tưởng chừng như không thể tiếp tục hoạt động, nhưng với tình yêu sâu sắc dành cho nghệ thuật chèo, các thành viên của CLB - những người nông dân chân chất đã cùng nhau vượt qua tất cả. Họ mang tiếng hát, lời ca của mình không chỉ để làm đẹp cho đời mà còn để giữ gìn và lan tỏa nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
CLB hát chèo thôn Lau Chảy ban đầu có 10 thành viên. Qua hơn 7 năm hoạt động, CLB đã thu hút thêm nhiều người tham gia, hiện tại số lượng thành viên đã tăng lên hơn 20 người, với đủ các thành phần lứa tuổi từ người già, trung niên đến các bạn trẻ. Mặc dù là nông dân, nhưng với niềm đam mê, năng khiếu bẩm sinh và lòng nhiệt tình, các "nghệ sĩ nông dân" của CLB đã tự tin bước lên sân khấu, say sưa thể hiện những điệu chèo truyền thống.
Bà Trịnh Thị Dung, năm nay đã ngoài 80 tuổi chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng đất nổi tiếng với làn điệu hát trống quân. Cùng với trống quân, tình yêu dành cho hát chèo đã gắn liền với cuộc sống của tôi từ thời thanh niên xung phong. Trong những đêm trăng thanh hay những buổi lao động trên đồng ruộng, câu hát chèo luôn là nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp tôi và những người nông dân khác quên đi mệt nhọc, tăng năng suất lao động.
Một buổi tập luyện của CLB hát chèo thôn Lau Chảy.
Thời đại công nghệ số với sự bùng nổ của internet đã mở ra nhiều cơ hội mới cho việc quảng bá và bảo tồn nghệ thuật chèo. Các thành viên của CLB không ngừng học hỏi, nắm bắt những làn điệu chèo mới từ mạng xã hội, đồng thời sáng tác thêm lời mới phù hợp với các hoạt động ở địa phương. Cùng với những vở diễn chèo cổ như "Đôi Ngọc Lưu Ly", "Quan Âm Thị Kính", "Lưu Bình Dương Lễ" vẫn được biểu diễn đều đặn, CLB còn sáng tác thêm lời mới trên những làn điệu chèo để thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và phản ánh những thay đổi trong đời sống nông thôn.
Một trong những thành viên trẻ của CLB, anh Trịnh Văn Vinh, người phụ trách âm thanh và sưu tầm các làn điệu chèo của CLB chia sẻ, việc hát chèo ngày nay đã "nhàn" hơn trước rất nhiều nhờ vào sự hỗ trợ của các thiết bị âm thanh hiện đại. Anh cũng là tác giả của bài chèo "Mừng hội chèo làng Chảy" - một sáng tác mới đang được CLB luyện tập. Những lời ca, tiếng hát trong bài chèo không chỉ thể hiện tinh thần lao động hăng say mà còn là lời kêu gọi gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.
Dù bận rộn với công việc hằng ngày, nhưng bà Nguyễn Thị Nạm, Phó Chủ nhiệm CLB vẫn đều đặn tham gia tập luyện cùng CLB hai buổi mỗi tuần. Bà Nạm cho biết: Sau những giờ làm việc mệt nhọc, được cất lên lời ca tiếng hát là một cách tuyệt vời để giải tỏa căng thẳng, làm mới tinh thần. Hát chèo đối với tôi là một món ăn tinh thần "vô giá" và tôi rất vui khi thấy các thế hệ trẻ cũng đang dần yêu thích và tham gia luyện tập bộ môn nghệ thuật này.
Ngoài những buổi biểu diễn tại địa phương, CLB còn thường xuyên tham gia các sự kiện văn hóa, văn nghệ tại các tỉnh lân cận. Dù hoạt động trên tinh thần tự nguyện và tự túc, nhưng thành viên của CLB luôn nhiệt tình đóng góp công sức, tài chính để duy trì hoạt động. Cũng theo ông Cao Xuân Ngọc, những khoản hỗ trợ nhận được từ các sự kiện biểu diễn đều được CLB dùng cho các hoạt động xã hội như trao quà động viên cho thanh niên lên đường nhập ngũ hoặc khen thưởng cho các học sinh có thành tích xuất sắc.
Với tình yêu nghệ thuật chèo và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, các thành viên của CLB hát chèo thôn Lau Chảy không chỉ là những hạt nhân văn nghệ quần chúng mà còn là những "người giữ lửa" cho nghệ thuật chèo tại địa phương. Họ đang lan tỏa tình yêu chèo đến các thế hệ trẻ, bảo đảm rằng loại hình nghệ thuật này sẽ luôn sống mãi.
Lê Dũng