Hà nam: Nghệ nhân và việc lưu giữ vốn văn hóa dân gian truyền thống
Múa hát Lải Lèn (Lả Lê) và Trống quân là 2 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023. Lải Lèn lời hát, điệu múa cổ tương truyền có từ thời Triệu Việt Vương. Đây là những điệu múa, câu hát dân làng chào mừng khi vua Triệu Việt Vương về thăm cứ địa cũ (vùng đất Bắc Lý). Sau này khi ông mất, dân làng đã lập đình thờ, suy tôn ông là thành hoàng làng, câu hát Lải Lèn trở thành câu hát thờ thần. Về nội dung, múa hát Lải Lèn có điệu diễn tả cảnh đón mừng nhà vua, có điệu diễn tả cảnh trận mạc xưa, cảnh tiễn biệt người đi, kẻ ở trong thời chiến tranh, có điệu diễn tả cảnh đoàn quân chiến thắng trở về; có điệu diễn tả cảnh mở hội khao quân... Mặc dù trải qua nhiều thiên tai, địch họa nhưng người dân thôn Nội Chuối (Bắc Lý) luôn trân trọng, lưu giữ, trao truyền di sản múa hát Lải Lèn đến ngày nay. NNƯT Lưu Thị Ngần, NNƯT Nguyễn Thị Ngoãn là hai “nàng Lải” cuối cùng còn nắm giữ được những lễ thức của hát múa Lải Lèn cổ đã hết sức mình truyền dạy cho lớp kế tục. Theo quy định cổ trước đây chỉ những đồng trinh là gái làng (15 - 18 tuổi) mới được học hát múa và tham gia lễ tế Thánh tại đình làng. Thực hiện theo đúng truyền thống nhưng những cô gái trẻ lớn lên người đi học, đi làm, người lấy chồng đã làm cho câu hát Lải Lèn dường như chững lại, các cụ đành truyền cho những người con gái lấy chồng tại làng và tuyển chọn cả những người con dâu của làng để truyền dạy. Lớp kế tục hát múa Lải Lèn hiện có khoảng 20 thành viên sinh hoạt trong Câu lạc bộ (CLB) múa hát Lải Lèn Nội Chuối với tuổi đời 50 - 70 tuổi. Loại hình nghệ thuật này khi hát không có nhạc cụ phụ họa, chỉ dùng đôi xênh tiền gõ nhịp lúc trầm, lúc bổng tùy theo điệu hát nên hiện giờ khi hát, các thành viên trong CLB có thêm tiếng trống và luyến láy trong những câu hát cho dễ nhớ, dễ thuộc. Trong khoảng 30 điệu múa hát cổ, hiện các thành viên CLB tập luyện thuần thục khoảng 15 điệu. Mỗi tháng, các thành viên CLB dành 2-3 buổi tối để cùng nhau tập luyện các điệu hát múa Lải Lèn.
Thành viên CLB hát múa Lải Lèn Bắc Lý, Lý Nhân trao đổi, chia sẻ về việc tập luyện, truyền dạy.
Hát Trống quân Liêm Thuận ra đời chính trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của cư dân vùng đồng chiêm trũng. Họ hát để diễn tả nỗi lòng, để vơi bớt nhọc nhằn, chọc ghẹo vui đùa và cũng là hát giao duyên tình tứ. Theo NNƯT Nguyễn Đình Lâu, Hát Trống quân Liêm Thuận có từ thời nhà Đinh đã mai một dần từ thời chống Pháp, qua thời chống Mỹ rồi đến thời bao cấp hội hát trống quân vào những đêm trăng sáng trên những cánh đồng nước mênh mông đã không còn được diễn ra. Nhưng những câu hát trống quân vẫn đâu đó được vang lên trong những thôn xóm yên bình, trong cảnh điền viên vui thú đồng ruộng, hát từ tiềm thức của những người đã có tuổi. Với tâm hồn nhạy cảm, yêu thích nghệ thuật, NNƯT Nguyễn Đình Lâu đã âm thầm sưu tầm bắt đầu từ những năm 1980 và đến năm 1996 thì cơ bản đã sưu tầm hết. Lúc đó, ông vừa viết báo tuyên truyền vừa vận động nhân dân tập hát lại các làn điệu trống quân. Lấy hội Cựu chiến binh của thôn làm nòng cốt, năm 1996 đội hát trống quân thôn Lau Chảy được thành lập. Sự ra đời của đội hát làm nức lòng dân chúng và thu hút đông đảo giới truyền thông thời điểm đó. Sự độc đáo của hát Trống quân Liêm Thuận là hát trên thuyền và trống làm bằng những vò vại sành căng dây ngang thuyền. Những ngày đầu mới khôi phục, hát trống quân Liêm Thuận diễn ra đúng theo tục cổ trong không khí hội hè phấn khởi vui tươi. Khi hồ ở đình làng Chảy hết nước, Trống quân Liêm Thuận chuyển hát trên cạn nhưng trống vẫn làm bằng đồ đất nung và căng dây thừng tạo âm thanh làm nhịp khi hát. Đến năm 2010, xã Liêm Thuận ra quyết định thành lập CLB hát Trống quân. Để phát triển, CLB đã thành lập thêm tổ hát trống quân thôn Gừa Sông (nằm trong CLB hát Chèo thôn Gừa Sông). Hiện tại, ngoài sinh hoạt tại CLB, các thành viên còn tùy vào tính chất công việc để truyền dạy những làm điệu hát trống quân như: NNƯT Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm CLB hát Trống quân Liêm Thuận là cô giáo mầm non thì dạy cho các cháu mầm non tập hát, NNƯT Nguyễn Đình Lâu phối hợp với trường Tiểu học & THCS Liêm Thuận đưa hát trống quân vào trường học. Hiện tại, CLB hát Trống quân trường Tiểu học & THCS Liêm Thuận có khoảng 30 em học sinh tham gia; góp phần giúp thế hệ trẻ biết thêm về những nét văn hóa đặc sắc của quê hương, thêm tự hào và hình thành trách nhiệm bảo tồn và lưu giữ những vốn văn hóa truyền thống đó.
Với chủ trương đưa môn giáo dục địa phương vào trường học những năm qua ngành Giáo dục đã biên soạn, đưa những loại hình di sản văn hóa phi vật thể này vào sách giáo khoa. Trước đó, ngành đã phối hợp với Đoàn Nghệ thuật Chèo Hà Nam tập huấn cho giáo viên dạy môn học này biết về nguồn gốc hình thành và cách hát các làn điệu dân ca cổ. Nhiều giáo viên cũng rất chịu khó khi tìm đến các nghệ nhân để hỏi. NNƯT Trịnh Thị Phẩm (cụ trùm hát Dặm Quyển Sơn) luôn có giáo viên đến tìm hiểu về hát Dặm. Ngoài giảng giải, cụ còn tự bỏ tiền túi ra phô tô những tài liệu liên quan đến hát Dặm tặng cho các cô giáo và những người quan tâm đến hát Dặm Quyển Sơn. Đoàn Nghệ thuật Chèo - đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh những năm gần đây cũng đã đưa những bài hát Dặm và Lải Lèn vào chương trình biểu diễn. Để phù hợp với nhịp sống hiện đại những tiết mục dân ca này khi được sân khấu hóa vẫn giữ giai điệu cũ nhưng tươi vui và rộn ràng hơn. Những bài hát đã được Đoàn biên soạn và đưa lên sân khấu như: Bỏ bộ, chèo quỳ, bảy mừng… (Hát Dặm Quyển Sơn); hoặc làn điệu Lả Lê thường được vang lên sau Lễ hội Tịch điền với những câu hát như: “A này chàng này hội giã á lê… à lề… à lề. Giữa sân đình làng quê ta mở hội vui vui mọi nhà. Những trai làng đường cày thẳng tắp. Những gái làng gieo hạt nở hoa…”.
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đã được phục dựng, nhưng việc lưu truyền, phát huy giá trị của những di sản phi vật thể này hiện đang gặp khó. Nguyên nhân chính là do số lượng các nghệ nhân ngày càng ít đi và đa phần đều cao tuổi; những điệu múa hát này nằm trong những cộng đồng nhất định, một thời gian rất dài không có tính phổ biến nên số người tham gia truyền dạy, tập luyện cũng vì thế không được đông đảo. Bên cạnh đó, nằm trong xu thế chung khi các loại hình nghệ thuật truyền thống hiện đang có nhiều người trẻ không đam mê nên khó tạo được thế hệ tiếp nối hùng hậu; việc biên soạn tài liệu giáo dục lịch sử địa phương ở nhiều cấp học còn sơ sài, nhiều lỗi sai về cách dùng từ... Thực tế này đòi hỏi ngoài nỗ lực người dân nơi có di sản còn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng, các cấp chính quyền và ngành chức năng trong lĩnh vực văn hóa để những di sản đó trường tồn mãi mãi làm phong phú thêm vốn văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chu Bình