Hoạt động của ngành

Bạc Liêu: Để văn hóa Khmer truyền thống không bị mai một

Cập nhật: 04/10/2024 14:35:54
Số lần đọc: 399
Bên cạnh những phong tục tập quán vẫn giữ được sức sống bền bỉ thì có một số nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng đã và đang đối mặt với nguy cơ mai một. Chính vì vậy, việc ngăn ngừa tình trạng thất truyền, biến dạng cho văn hóa Khmer truyền thống được xem là nhiệm vụ cần thiết và cấp thiết để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần xây dựng nền Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


Dễ bị “tổn thương”

Trải qua hơn một thế kỷ, những phong tục tập quán và nhiều loại hình văn hóa - nghệ thuật được hình thành từ đời sống tín ngưỡng, sinh hoạt đã tạo cho đồng bào Khmer bản sắc văn hóa đa dạng và hết sức độc đáo. Nhiều phong tục, nghi lễ, nét tín ngưỡng tốt đẹp được thể hiện rõ trong các lễ hội và cùng với đó là sự độc đáo về văn hóa ẩm thực, trang phục, nghệ thuật diễn xướng, kiến trúc, nghề thủ công. Với lòng tự hào dân tộc được nuôi dưỡng, vun đắp qua bao thế hệ nên người dân ở các phum sóc trong tỉnh luôn ý thức phải ra sức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Tuy chứa đựng giá trị độc đáo nhưng văn hóa Khmer lại không duy trì được sức sống bền lâu. Nhiều nét văn hóa dễ dàng bị “tổn thương”, thậm chí có nguy cơ mai một trong bối cảnh giao thoa, hội nhập văn hóa và sự tác động của nền kinh tế thị trường. Đơn cử như trong những dịp lễ hội lớn, hầu hết các gia đình Khmer trước đây đều tự tay làm bánh gừng, bánh ớt để cúng tổ tiên, làm quà tặng hàng xóm, nhưng ngày nay phong tục này còn khá ít gia đình giữ gìn. Thay vào đó, nhiều người chọn cách ra chợ mua để đỡ tốn thời gian và công sức, nên việc các bà, các mẹ dạy con cháu cách làm bánh dân gian không còn phổ biến, dần dần có nguy cơ mất đi một nét văn hóa ý nghĩa trong gia đình.

Bên cạnh đó, nhiều loại hình nghệ thuật được xuất phát trong dân gian, mang tính cộng đồng cao của đồng bào Khmer cũng gặp khó trong việc bảo tồn. Số lượng đội, nhóm văn nghệ dù được quan tâm phát triển, nhưng chất lượng truyền dạy chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là đối với các loại hình nghệ thuật đòi hỏi kỹ thuật, sự am hiểu sâu.

Anh Danh Tuôl - nghệ nhân chế tác, trình diễn nhạc cụ Khmer tại chùa Hòa Bình cũ (huyện Hòa Bình), chia sẻ: “Tại một vài nơi, văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một là do sự “đứt gãy” trong quá trình chuyển giao các loại hình nghệ thuật. Không chỉ cách đào tạo chưa phù hợp, chuyên sâu mà cách tập hợp lực lượng tham gia bảo tồn nghệ thuật truyền thống cũng không hiệu quả khi đời sống kinh tế của nhiều người còn khó khăn”.

Trình diễn phong tục làm bánh gừng của đồng bào Khmer phục vụ du khách tham quan. Ảnh: H.T

“Hồi sức” cho văn hóa khmer

Trước những khó khăn, thách thức và yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong tình hình mới, thời gian qua tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ giúp văn hóa Khmer “hồi sức” trước nguy cơ mai một. Đơn cử là chính sách hỗ trợ kinh phí cho các chùa Khmer mua sắm, sửa chữa ghe Ngo, dàn nhạc ngũ âm; tổ chức các liên hoan nhạc ngũ âm, múa dân gian Khmer, các giải đua ghe Ngo. Hiện, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở VH-TT&DL tích cực hỗ trợ đồng bào Khmer phục dựng lễ hội, tập huấn truyền dạy văn hóa phi vật thể Khmer… để bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Kế hoạch yêu cầu thực hiện đồng bộ giữa nghiên cứu, bảo tồn văn hóa với tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống; đề cao vai trò, năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các hoạt động đa dạng như: sinh hoạt văn hóa, truyền dạy các làn điệu dân ca, nghề thủ công… cho thanh niên để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho lớp kế thừa.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, trong đó có văn hóa Khmer là nhiệm vụ quan trọng để góp phần thực hiện chủ trương phát huy sức mạnh mềm của dân tộc. Điều này đòi hỏi sự chung tay của các bên có liên quan, với lộ trình dài hơi, phù hợp và nguồn lực tương xứng.

Hữu Thọ

Nguồn: Báo Bạc Liêu - baobaclieu.vn - Đăng ngày 02/10/2024

Cùng chuyên mục