Non nước Việt Nam

Hà Nội: Chùa Khai Nguyên - điểm nhấn của du lịch Sơn Tây

Cập nhật: 20/08/2021 14:57:57
Số lần đọc: 1116
Nằm giữa vùng quê yên ả, trù phú của xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), chùa Khai Nguyên được biết đến là một ngôi chùa có quy mô bề thế cùng bức tượng Phật A Di Đà lớn nhất Đông Nam Á. Không chỉ là một điểm đến tâm linh thu hút nhiều Phật tử gần xa, chùa Khai Nguyên còn là điểm nhấn của du lịch Sơn Tây bởi những trải nghiệm hấp dẫn khi liên kết với các điểm đến lân cận...


Một góc khuôn viên chùa Khai Nguyên.

Nơi kim - cổ giao hòa

Chùa Khai Nguyên xưa có tên là Cổ Liêu tự hay chùa Tản Viên Sơn Quốc tự. Theo những bi ký còn lưu giữ trong khuôn viên, chùa Khai Nguyên được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVI. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Khai Nguyên xưa đã bị phá hủy hoàn toàn. Từ năm 2003, chùa được các Phật tử gần xa quyên góp, trùng tu với quy mô lớn.

Sau gần hai thập kỷ, đến nay, mặc dù chưa hoàn thiện nhưng chùa Khai Nguyên đã “hiện diện” với một quy mô hoành tráng cùng lối kiến trúc mang nét kim - cổ giao hòa. Đó là lối kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, các gian thờ chính được bố trí theo kiểu "tiền Phật hậu Tổ", cuối là Tăng đường cùng tả vu, hữu vu, tháp Báo Ân, gác chuông, gác trống... Phía trước chùa là một hồ nước lớn hình chữ nhật, quanh năm nước xanh như ngọc. Trên mặt hồ có lầu gác mô phỏng hình dáng chùa Một Cột. Đây là gian thờ Địa Tạng vương Bồ tát, nơi có bộ kinh Địa tạng quý, thu hút sự quan tâm của nhiều Phật tử.

Điểm nhấn đặc sắc nhất của chùa Khai Nguyên là bức tượng Phật A Di Đà lớn nhất Đông Nam Á, cao 72m, đường kính bệ tượng lên tới 1.200m2, được khởi dựng từ năm 2015, hiện vẫn trong quá trình hoàn thiện. Bức tượng có kết cấu chắc chắn và được tạo tác vô cùng tinh xảo với hình tượng đức Phật A Di Đà uy nghiêm trong tư thế kiết già, gương mặt toát lên vẻ từ bi, trí huệ. Trên tay trái của ngài là một đóa sen hồng chớm nở, tay phải ở tư thế Giáo hóa thủ ấn. Giữa hai lòng bàn tay của đức Phật đều có hình bánh xe Pháp luân đắp nổi, thể hiện những triết lý sâu xa của Phật giáo. Riêng phần đế là bông sen khổng lồ, với 3 lớp gồm 56 cánh hoa. Pho tượng thể hiện đầy đủ những nét đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Theo Đại đức Thích Đạo Thịnh, trụ trì chùa Khai Nguyên, bức đại tượng được xây dựng nhằm truyền tải thông điệp “Vì hòa bình thế giới”, cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, Phật pháp hưng long... Đặc biệt, dưới tầng ngầm của pho đại tượng còn có khu vực mô phỏng 18 tầng địa ngục nhằm truyền tải ý nghĩa của lục đạo luân hồi, giúp phật tử hiểu về luật nhân quả để tu thân tích đức...

Bên cạnh bức đại tượng, chùa Khai Nguyên còn thu hút du khách bởi hệ thống tượng Phật gồm 1.975 pho lớn nhỏ trong gian Tam bảo, tạo nên hình thái kiến trúc độc đáo. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ một số di vật có giá trị như: Hai tấm bia đá có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 19 (năm 1759) và Gia Long thứ 14 (năm 1815), 1 quả chuông đồng niên hiệu Tự Đức thứ 22 (năm 1870). Đây là nguồn sử liệu quý cho thấy những giá trị văn hóa - lịch sử của chùa Khai Nguyên.

Liên kết tour tuyến phát triển du lịch 

Ghé thăm chùa Khai Nguyên, nhiều du khách phải trầm trồ trước vẻ đẹp độc đáo, quy mô hoành tráng của các công trình kiến trúc Phật giáo nơi đây. Bà Hoàng Thị Mai (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Khi đến chùa Khai Nguyên, tôi và bạn bè khá bất ngờ với cảnh quan của chùa. Chúng tôi đã có một hành trình nhiều cảm xúc khi tham quan chùa Khai Nguyên kết hợp với Làng cổ Đường Lâm và Thành cổ Sơn Tây...”.

Nói về việc kết nối chùa Khai Nguyên với các điểm đến khác trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Nguyễn Duy Cường cho biết: “Kể từ khi chùa Khai Nguyên được trùng tu, tôn tạo, đặc biệt nhờ pho tượng Phật A Di Đà có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, lượng khách du lịch đến xã Sơn Đông đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng tour tham quan chùa Khai Nguyên gắn với các điểm đến trên địa bàn như đền Măng Sơn, chùa Sơn Đông, đình vua Lê... để tạo thành tuyến du lịch tâm linh hấp dẫn. Từ năm 2019 trở về trước, các di tích này đều thu hút khá đông du khách”.

Những năm qua, công tác phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng điểm đến đã được thị xã Sơn Tây quan tâm. Để thu hút khách đến Sơn Tây nhiều hơn sau dịch Covid-19, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh cho biết, thị xã sẽ chú trọng tuyên truyền, quảng bá các điểm đến như chùa Khai Nguyên, chùa Linh Thông, Văn Miếu Sơn Tây... gắn với các tour sinh thái, nghỉ dưỡng, golf tại khu vực hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh nhằm đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ các đối tượng khách, trong đó, chùa Khai Nguyên sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng của du lịch Sơn Tây trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Mỹ An

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT