Hà Nội: Chùa Vĩnh Trù - di tích lịch sử của Thủ Đô
Theo tư liệu dân gian, ban đầu, đây là nơi thờ Tứ vị Hồng nương là 4 mẹ con cung phi nhà Tống (Trung Quốc), gồm thái hậu Dương Nguyệt Quả, hoàng hậu Quách Thị và hai công chúa Nguyệt Khiêu, Nguyệt Hương. Khi nhà Tống loạn lạc, bốn mẹ con cung phi này đã vượt biển để chạy trốn, nhưng do sóng to, gió lớn nên thuyền bị chìm. Xác 4 vị trôi về cửa Đại Càn (nay thuộc phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) và được người dân chôn cất, lập đền thờ. Tứ vị Hồng nương nổi tiếng linh thiêng nên thường được người dân sinh sống bằng nghề sông nước ở nhiều địa phương thờ tự.
Vào những năm 1950, đền Vĩnh Trù được trùng tu lớn và trở thành chùa, là nơi thờ Tam thế Phật cùng các vị Bồ tát, Quan Âm Nam Hải... song song với việc thờ Tứ vị Hồng nương cùng Tam tòa thánh Mẫu. Sự đa dạng trong hình thức phối thờ này cũng là điểm thường thấy trong các ngôi chùa Việt.
Chùa Vĩnh Trù có quy mô nhỏ, phong cách kiến trúc rõ nét của các công trình thờ tự truyền thống, gồm các hạng mục: Cổng tam quan, gian chùa chính được thiết kế kiểu chữ Tam với 3 gian nhà liền nhau được xây theo kiểu đầu hồi bít đốc. Ở gian ngoài cùng, chính giữa là ban thờ đặt bài vị của quan giám sát, bên dưới là ban thờ quan văn, võ. Gian giữa là nơi thờ Phật. Gian trong cùng - hậu cung, là nơi thờ Tứ vị Hồng nương, Tam tòa thánh Mẫu và Ngọc Hoàng. Gian này ngăn cách với bên ngoài bằng cửa võng được trang trí hình tứ linh, tứ quý và 2 bộ cửa được chạm thủng hình mây, lá hóa rồng. Trong chùa hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như sắc phong, câu đối, ngai thờ, bài vị, tượng Phật, cùng nhiều đồ thờ tự bằng đồng có giá trị.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, phố Hàng Lược là giới tuyến phía tây của Liên khu I. Chùa Vĩnh Trù được chọn làm cơ sở kháng chiến và là điểm cứu chữa thương bệnh binh. Hiện nay, trong khuôn viên chùa vẫn còn tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 1994, chùa Vĩnh Trù được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.
Nam Anh