Non nước Việt Nam

Hà Nội: Đình Tri Chỉ - dấu ấn kiến trúc cuối thời Lê

Cập nhật: 29/07/2021 13:32:46
Số lần đọc: 1380
Đình Tri Chỉ (xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) có kiến trúc điêu khắc độc đáo mang phong cách cuối thời Lê Trung hưng. Qua thời gian, đến nay đình Tri Chỉ có cảnh quan thơ mộng và là điểm du lịch di sản hấp dẫn của huyện Phú Xuyên.


Nghi môn đình Tri Chỉ.

Nhớ ơn người xưa

Làng Tri Chỉ có tên nôm là Chảy (đọc chệch là làng Chể). Tên gọi "Tri Chỉ" nghĩa là “biết dừng” (tri: biết; chỉ: dừng), thể hiện lối sống khiêm nhường đã có từ ngày lập làng của người dân.

Theo thần phả, đình Tri Chỉ thờ Linh Lang Đại vương, tức hoàng tử Hoằng Chân nhà Lý. Ngài vốn là một võ tướng, tham gia chiến đấu và hy sinh trong trận chiến chống quân Tống xâm lược trên sông Như Nguyệt. Vua thương tiếc, sắc phong ngài là Đại vương, ban mỹ tự “Thanh lăng hựu chính hiển phu hoằng hợp, Dực bảo trung hưng”, sắc dụ cho nhiều nơi thờ phụng, trong đó có đình Tri Chỉ và được dân làng tôn làm Thành hoàng làng.

Ngoài thờ Thành hoàng làng Linh Lang Đại vương, đình Tri Chỉ còn phối thờ Đông Hải Thượng đẳng thần, Thủy Hải Long vương, Thành Hoàng Chi thần - những người học rộng tài cao, từng theo phò các đời vua Lê từ kháng chiến chống quân Minh xâm lược thế kỷ XV.

Thần Đông Hải là Nguyễn Phục, có tài vận tải binh lương. Trong lần vua Lê Thánh Tông mang quân đi đánh Chiêm Thành, Nguyễn Phục giữ chức Đô chỉ huy sứ để vận tải vũ khí lương thực. Một lần, đi đường biển gặp bão, ông cho thuyền trú vào nơi an toàn đợi bão tan. Thuyền quân lương bị chậm vài ngày, ông bị khép vào tội khi quân và xử chém. Sau vua ngẫm lại và minh oan cho ông, còn phong là Đông Hải Đại vương, sắc cho dân làng Tri Chỉ thờ phụng.

Bên cạnh đó, đình Tri Chỉ còn thờ hai vị tổ nghề làm áo tơi là Nghiêm Thắng và Đặng An. Nhờ có nghề này, đời sống của người dân được ấm no.

Đại bái đình Tri Chỉ với tiền sảnh có hai tầng mái.

Độc đáo kiến trúc, phá cách điêu khắc

Đình Tri Chỉ được khởi công xây dựng năm 1771, đời vua Lê Hiển Tông. Trải qua 3 lần trùng tu vào các năm 1816, 1940 và 1988, tuy có nhiều lớp kiến trúc kế thừa, bổ sung nhưng cơ bản vẫn giữ được kiến trúc tổng thể thời Lê và mang nhiều nét phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Đình hướng về phía tây. Trước mặt là hồ bán nguyệt rộng lớn, sau là hào nước, xung quanh có rặng cây cổ thụ. Đình có kiến trúc độc đáo, hai bên hồi xây kiểu "vỉ ruồi tay ngai", 4 mái đầu đao cong vút. Kết cấu bộ khung bên trong đình có bốn hàng chân cột gỗ, sáu bộ vì với tổng cộng 24 cột bằng gỗ tứ thiết. Các bộ vì có cấu trúc kiểu thức "thượng rường cốn, hạ bảy". Chính giữa đại bái là một tiền sảnh hai tầng liền kề, cổ diềm đón ánh sáng. Hệ thống cửa bức bàn chắc chắn với hàng câu đối trên cột đá: “Thánh tích cơ đồ minh quốc sử/ Thần công hiển hách trù hương từ” nhằm ca ngợi công lao của các vị Thành hoàng làng.

Đặc biệt, các đầu đao ở tiền sảnh đều được đắp nổi rồng phượng, long lân uốn cong đuổi nhau thành đôi - rất ít khi xuất hiện trong tạo hình đình góc mái. Mái đình lợp ngói vảy cá, hai đầu bờ nóc có đôi lân cõng mây chầu, trên hai bờ dải có đôi kìm.

Các bức cốn được điêu khắc với nội dung phong phú, cởi mở như rồng vờn nhau, rồng mẹ vui đùa cùng rồng con, rồng đuổi mây..., phản ánh khao khát tự do và thể hiện sự suy yếu của vương quyền cuối thời Lê. Ngoài ra, các đầu bảy còn được chạm chi tiết tích tứ long, tứ quý, một số hình tượng rồng được chạm với đuôi xoắn, bờm rậm, mặt dữ tợn, mang phong cách nghệ thuật đặc trưng thời Nguyễn. Chính giữa hậu cung có bức cửa võng cổ nhiều tầng, trên là bức hoành phi “Dực bảo trung hưng”.

Hiện tại, đình Tri Chỉ còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị từ thời Nguyễn như hoành phi, câu đối, hương án, cửa võng, ngai thờ, bài vị, cây đèn gốm tráng men màu da đá, một số phù điêu hình rồng mang phong cách nghệ thuật thời Mạc, 2 đĩa men ngọc và cuốn thần phả, sắc phong Thành hoàng làng. Đạo sắc phong gần nhất là năm Duy Tân thứ 3 (năm 1909).

Lễ hội truyền thống làng Tri Chỉ diễn ra từ ngày mùng 1 đến mùng 4 tháng Tư và từ mồng 9 đến mùng 10 tháng Tám (âm lịch), thu hút hút hàng ngàn khách du lịch.

Tri Chỉ còn là quê hương của Ngô Nho (1756 - 1787), người đỗ Tiến sĩ khoa Ất Tỵ, năm 1785, đời vua Lê Hiển Tông, làm quan đến chức Hàn lâm viện Hiệu thảo; từng làm Phó sứ và vào Phú Xuân cùng Trần Công Xán đưa quốc thư, xin lại đất Nghệ An từ quân Tây Sơn. Đến nay, vẫn còn nhà thờ họ Ngô tại Tri Chỉ đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố năm 2004.

Với những giá trị di sản to lớn, đình Tri Chỉ được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1985.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Công

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT