Non nước Việt Nam

Hà Nội: Độc đáo đình Đăm

Cập nhật: 25/04/2022 10:47:57
Số lần đọc: 881
Nằm trên địa bàn phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), đình Đăm (hay đình Tây Tựu) là nơi thờ tướng Đào Trường (tức thánh Bạch Hạc Tam Giang) - vị tướng tài có công giúp vua Hùng Duệ Vương đánh giặc ngoại xâm. Đình được khởi dựng từ khá sớm, đến đời vua Lê Thế Tông (thế kỷ XVI) được cung phi Nguyễn Thị Tính cho xây dựng lại bề thế, khang trang hơn.


Đình Đăm quay về hướng Tây và tọa lạc trên khu đất cao ráo thuộc thôn Trung của làng Đăm (nay là tổ dân phố Trung, phường Tây Tựu). Phía trước đình là một ao hình vuông và cánh đồng rộng, sau lưng là đầm nước trũng. Bên phải là ngọn núi Đống Chay chầu về. Bên trái có dòng sông Nhuệ uốn khúc rồi lượn xuống phía đông nam, tạo thành thế “Tả thanh long, hữu bạch hổ” - thế đất được cho là mang lại phúc khí cho dân làng. Đình có quy mô lớn với nhiều kiến trúc hợp thành, gồm hai lầu chính ngự, bốn nhà phương đình và hai dãy tả - hữu mạc. Dọc hai bên có thủy đình, nhà hậu, văn chỉ, từ vũ và hai nhà thuyền. Các hạng mục này mang dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung hưng khá rõ nét, tạo nên sự độc đáo riêng có cho đình Đăm.

Ngoài chức năng thờ tự, đình còn đóng vai trò là một trung tâm thương mại truyền thống của làng - chợ đình. Chợ đình là nét văn hóa cổ truyền độc đáo của người Việt, phổ biến ở hầu hết các làng quê trước đây, hiện không còn nhiều. Vì vậy, chợ đình ở làng Đăm đã trở thành nét văn hóa làng quý giá còn được bảo tồn đến ngày nay.

Không chỉ là một di tích lịch sử - văn hóa, đình Đăm còn là di tích cách mạng kháng chiến tiêu biểu của quận Bắc Từ Liêm. Năm 1993, đình Đăm đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Ngoài ra, đình Đăm còn là trung tâm hội họp với nhiều hoạt động văn hóa của làng, trong đó đặc sắc nhất phải kể đến Hội bơi Đăm đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hội bơi Đăm truyền thống diễn ra từ mồng 9 đến 11 tháng Ba hằng năm với nhiều hoạt động văn hóa đặc thù của địa phương được lưu truyền qua nhiều thế kỷ. Lễ hội nhằm tái hiện không gian văn hóa và chiến thuật luyện tập, tiến công bằng đường thủy của tướng Đào Trường, qua đó tôn vinh hình tượng thiêng liêng và tỏ lòng tri ân công đức đối với Đức thánh Bạch Hạc Tam Giang.

Quỳnh Ngọc

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 25/4/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT