Hà Nội: Khám phá làng nghề mây tre đan truyền thống Phú Vinh
Từ lâu làng nghề Phú Vinh đã được ưu ái gọi bằng cái tên “xứ mây” của Thủ đô Hà Nội. Trải qua hơn 400 năm, làng nghề vẫn luôn giữ trọn nét đẹp truyền thống lâu đời của dân tộc. Bằng tài hoa và tâm huyết, các nghệ nhân làng Phú Vinh đã sáng tạo ra những sản phẩm mây tre đan đẹp mắt và tinh xảo. Bên cạnh việc làm nghề, mỗi nghệ nhân trong làng bằng những cách khác nhau luôn cố gắng lưu giữ và truyền đi niềm đam mê đan lát với tâm niệm, để Phú Vinh sống mãi sức sống của làng nghề.
Làng nghề Phú Vinh là một ngôi làng nổi tiếng gần xa với nghề sản xuất mây tre đan. Làng được hình thành từ năm 1700, với tên gọi ban đầu là làng Phú Hoa Trang tức là "trời phú cho dân có bàn tay lụa", vì người dân nơi đây có bàn tay vô cùng khéo léo. Đan tre mây tại Phú Vinh được coi là theo nghề cha truyền con nối. Những đứa trẻ tại làng từ nhỏ đã quen với đan lát, các công đoạn làm ra một sản phẩm mây tre đan hoàn chỉnh.
Với đôi bàn tay khéo léo, những người con làng nghề mây tre đan Phú Vinh đã tạo nên hàng loạt tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, công phu từ chính những cây mây, cây tre mộc mạc và gần gũi. Trước đây, sản phẩm chủ yếu của làng là những món đồ quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như dần, sàng, thúng mủng, rổ, giá.
Từ lâu làng nghề Phú Vinh đã được ưu ái gọi bằng cái tên “xứ mây” của Thủ đô Hà Nội.
Ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, làng Phú Vinh cũng có nhiều biến đổi. Nhiều mẫu mã chủng loại mới đã ra đời không những được dùng làm đồ trang trí nội thất, thời trang, mỹ thuật mà còn là nguyên liệu ứng dụng trong thiết kế công trình nhà ở. Người dân đã kết hợp kỹ thuật truyền thống với kiến thức khoa học hiện đại để mang lại những nét rất riêng cho dòng sản phẩm, hướng tới khách du lịch và thị trường xuất khẩu.
Đến với làng nghề mây tre đan ở Phú Vinh, du khách sẽ thấy ngỡ ngàng trước khung cảnh hết mực yên bình tại nơi đây. Mặc cho sự phát triển của thời đại, Phú Vinh vẫn giữ trọn nét đẹp xưa cũ đậm chất làng quê Việt Nam.
Tuy nhiên, để làm ra được những bộ sản phẩm từ mây tre đan đẹp về mẫu mã và chất lượng, cần có sự tỉ mỉ chọn lọc nhất định. Đầu tiên các nghệ nhân cần phải lựa chọn, thu mua, xử lý nguyên liệu đầu vào, rồi mới tới các bước phơi sấy và chẻ mây. Theo người dân tại làng nghề Phú Vinh, để sản xuất sản phẩm phải trải qua nhiều bước, từ khâu chọn mua, xử lý nguyên liệu, đến chế tác sản phẩm. Nguyên liệu mây, tre mua về được phơi, tiếp theo cho vào bể ngâm khoảng 10 ngày để chống mối mọt. Sau đó đưa tre, mây vào lò, dùng rơm, rạ hoặc lá tre để hun lấy màu.
Để cho sản phẩm có độ đa dạng về màu sắc, sau khi sấy các sợi mây sẽ được nhúng vào các chậu lá cây sòi băm nhỏ đã được nấu sôi. Đây là cách tạo màu hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất giúp cho sản phẩm mây tre đan của Phú Vinh không gây hại cho sức khỏe người sử dụng và có độ bền màu cao tới 30-40 năm.
Các sản phẩm mây tre đan của làng nghề Phú Vinh đa dạng về mẫu mã.
Những sản phẩm mây tre đan của làng nghề Phú Vinh ngày nay không chỉ được người tiêu dùng trên cả nước ưa chuộng, mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới bởi sự tinh tế, tinh sảo trong từng tác phẩm. Nơi đây, trên hành trình giữ lửa làng nghề, mỗi người một cách, mỗi gia đình một con đường riêng, nhưng đều chung một mục đích là giữ mãi sức sống cho làng nghề mây tre đan Phú Vinh.
Đến với làng nghề Phú Vinh, thấp thoáng đâu đó là hình ảnh những người nghệ nhân đang thoăn thoắt đôi tay để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Ngắm nhìn từng ngôi nhà cổ, mái đình rêu phong cổ kín cùng những cơ sở sản xuất lâu năm, du khách sẽ chợt thấy mình như lạc vào một không gian đậm chất cổ xưa của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Lan Anh