Non nước Việt Nam

Đồng Tháp: Nâng tầm làng nghề truyền thống

Cập nhật: 07/08/2024 14:49:23
Số lần đọc: 539
Hơn 100 năm tuổi, nghề làm bột gạo là một trong những nghề truyền thống lâu đời của thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Dù trải qua nhiều gia đoạn thăng trầm, nhưng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân nơi đây luôn biết cách để tạo ra sản phẩm bột gạo mang giá trị riêng, góp phần lưu giữ và phát huy làng nghề truyền thống, tạo điểm nhấn nổi tiếng nhất vùng.


Từ làm bột thủ công, các hộ gia đình đã đầu tư máy móc, khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Ảnh: Thúy Hạnh

Vào thế kỷ XVIII, nhiều người dân từ miền Bắc, miền Trung di cư vào miền Nam lập nghiệp. Ý thức tiết kiệm, phòng mùa mưa lũ nên mọi người đã tìm cách để giữ lương thực lâu dài, từ những hạt lúa làm ra bột gạo. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, xóm bột Tân Phú Đông trở thành một trong những nơi làm bột và sản phẩm từ bột gạo trắng mịn, dẻo, thơm mà không ở bất kỳ đâu có.

Nghề làm bột gạo Sa Đéc hình thành cách đây khoảng hơn 100 năm, hiện nay đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và phương thức sản xuất. Sản phẩm bột Sa Đéc được sản xuất theo quy trình thủ công, tự nhiên, với nhiều công đoạn đậm chất văn hóa Nam Bộ. Để có sản phẩm bột gạo, người làm bột phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và mất nhiều công đoạn. Bước đầu tiên là lựa chọn gạo. Tiếp đó, đưa hạt gạo đã làm sạch xong qua máy nghiền để giã nhuyễn, tạo ra bột gạo màu trắng sữa. Bột gạo lỏng được đưa vào cối ly tâm để tách nước, làm thành bột gạo khô. Chưa dừng tại đó, bột gạo khô này tiếp tục cho vào cối đánh tơi mịn nhuyễn, rồi lại đưa vào thùng lắng lọc. Bơm nước sông Sa Đéc và đánh lắng phèn trong thùng lắng lọc. Người làm bột gạo lúc này đem bí quyết gia truyền và cho thêm vào bể một xô nước được chiết xuất từ lá hoa dâm bụt (hiện nay, được thay bằng tảo biển) vào làm chất trợ lắng. Loại phụ gia này tuyệt đối an toàn với sản xuất thực phẩm, giúp cho tỉ lệ thu hồi bột cao hơn. Sau khi bột đã trắng mịn và không còn tồn dư kim loại nặng, họ sẽ hớt bột, chia bột, bẻ bột, phơi bột và đóng gói thành phẩm...

Thành phố Sa Đéc hiện có gần 350 hộ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất bột gạo và sau bột ở xã Tân Phú Đông và phường 2. Tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động, tham gia trực tiếp vào quy trình và sản xuất trên 50 ngàn tấn/năm. Nghề làm bột ở Sa Đéc tập trung nhiều nhất ở xã Tân Phú Đông, sau là các phường 2, 3, Tân Quy Đông, Tân Khánh Đông, An Hòa, Tân Quy Tây... tiếp tục theo nghề. Năm 2017, Hội quán làng bột được thành lập với gần 60 thành viên. Đây là nơi để chia sẻ kinh nghiệm, phát triển kinh tế tập thể. Làng nghề làm bột Sa Đéc đã luôn gìn giữ các giá trị di sản và góp phần tạo cơ hội việc làm cho lao động tại địa phương. Những năm qua, nghề làm bột đã có những đóng góp tích cực cho việc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân, giúp họ ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và làm giàu thêm giá trị văn hóa độc đáo tạo điểm nhấn cho vùng đất Sa Đéc.

Để phát triển làng nghề, người làm bột ở Sa Đéc đã mạnh dạn đầu tư máy móc, khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, từ máy vo, máy nghiền, thiết kế giàn ép bột tươi đến hệ thống bồn lắng, hệ thống bơm, hút phụ phẩm. Từ khi người dân làng nghề đưa cơ giới hóa vào quy trình sản xuất, đã giảm được công lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sản lượng và uy tín chất lượng của thương hiệu bột Sa Đéc. Việc này đã tạo nên bước ngoặt mới cho nghề làm bột.

Ông Nguyễn Văn Nương, chủ cơ sở sản xuất bột gạo Tư Nương, Chủ nhiệm Hội quán làng bột Sa Đéc tâm sự: “Gia đình tôi đã có truyền thống hơn 100 năm làm nghề. Trước đây, ông nội và ba của tôi thường sản xuất bằng thủ công, có nghĩa là làm bằng tay. Thời gian làm thủ công vừa mất thời gian mà không sản xuất ra được nhiều bột để đủ bán. Đến đời tôi, là con thứ 3, đời thứ 4, tôi đã mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc để sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao công xuất sản lượng cho sản phẩm”.

Nghề làm bột gạo ở Sa Đéc tiếp tục cha truyền con nối để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. Ảnh: Thúy Hạnh

Hơn 100 năm hình thành và phát triển, nghề làm bột gạo Sa Đéc đã trở thành một trong những điểm nhấn của thành phố Sa Đéc. Từ bàn tay của các nghệ nhân làng bột đã tạo nên thương hiệu với hương vị đặc trưng, đi vào lòng du khách gần xa. Với những giá trị văn hóa lâu đời, nghề làm bột gạo Sa Đéc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian “Nghề làm bột gạo Sa Đéc” vào ngày 26/4/2024 tại Quảng trường thành phố Sa Đéc.

Ông Nương vui mừng nói: “Quyết tâm của tôi và gia đình là làm sao giữ được nghề truyền thống của cha ông được bền vững. Khi nghề làm bột Sa Đéc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thì bà con trong Hội quán làng bột Sa Đéc rất mừng rỡ. Bà con nhận thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn trong nghề. Để nghề phát triển mãi, thì vấn đề an toàn thực phẩm và môi trường cần phải coi trọng hơn tất cả”.

Nghề làm bột ở Sa Đéc không ngừng được cải tiến về nhiều mặt, Đảng bộ và chính quyền địa phương rất quan tâm và tạo mọi điều kiện để phát triển nghề truyền thống này. Chính điều này đã hình thành một bước ngoặt mới, giúp cho làng nghề truyền thống sẽ luôn tiếp tục được duy trì và phát triển dưới dòng chảy của thời gian. Bà Võ Thị Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc cho biết: “Thời gian tới, thành phố Sa Đéc sẽ tìm các biện pháp tốt nhất để quảng bá được hình ảnh làng nghề và nâng tầm được làng nghề. Vừa mang tính truyền thống, vừa hiện đại để đáp ứng cho khách trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, thành phố Sa Đéc sẽ định hướng để sản phẩm được vươn xa hơn”.

Thúy Hạnh

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 07/8/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT