Phát huy giá trị hoa sen Tây Hồ
Cơ sở Trà sen Hiền Xiêm đã nhiều đời làm nghề ướp trà sen và hiện toàn bộ gia đình đều tham gia làm nghề, giữ nghề mà ông cha để lại
Trong văn hóa người Việt, hoa sen là biểu tượng của sự thanh cao, thuộc bộ tứ quý “lan, sen, cúc, mai”. Trong đó, sen hội đủ cả hương lẫn sắc, tinh khiết mà bình dị, thanh tao mà lộng lẫy, đi vào thi ca nhạc họa với đầy cảm xúc lắng đọng.
Thức quà gói trọn tinh hoa của đất trời
Việt Nam có nhiều vùng trồng sen như Huế, Đồng Tháp, Hà Nội… Ở mỗi vùng, sen lại có một đặc trưng khác biệt, không hề trộn lẫn. Với người Hà Nội, sen Tây Hồ mang ướp trà là một trong những sản phẩm biểu tượng của đất Tràng An, trở thành món quà đặc biệt được nhiều người yêu thích và lựa chọn biếu tặng gia đình, bè bạn.
Nghệ nhân Lưu Thị Hiền, chủ cơ sở Trà sen Hiền Xiêm cho biết, người trồng sen Tây Hồ coi đây là đặc ân được trời đất ban tặng, và đặc biệt, các hồ sen lại được hiện diện ngay bên cạnh Hồ Tây thơ mộng, đó cũng chính là niềm tự hào của người dân Thủ đô. Gia đình bà Hiền đã nhiều đời làm nghề ướp trà sen và hiện toàn bộ con cháu đều tham gia làm nghề, giữ nghề mà ông cha để lại. Nghề làm trà sen khá cầu kỳ, công phu và trải qua nhiều thăng trầm, vất vả, nhưng chưa khi nào bà Hiền thấy chán nản công việc hay mất đi tình yêu nghề. “Với tôi, làm trà sen là gói trọn những nét tinh hoa, đặc trưng của Tây Hồ gửi tới khách hàng trong nước và quốc tế, để quảng bá thức trà nổi tiếng của làng Quảng An”, nghệ nhân Lưu Thị Hiền chia sẻ.
Để làm ra 1 cân trà sen thành phẩm, gia đình bà Hiền phải có 1.500 bông sen Bách diệp Tây Hồ, loại sen có nhiều gạo; qua đủ 21 ngày với 7 lần vào hương, 7 lần sấy khô mới cho ra thành phẩm. Tất cả các công đoạn đều được làm hoàn toàn thủ công. “Sen ướp trà phải được hái từ sáng sớm, lúc hoa còn hàm tiếu, chưa có ánh nắng mặt trời chiếu vào, như vậy hương thơm mới chưa bị bay đi. Thu hoạch sen về thì nhanh tay bóc lớp cánh to, bóc lớp cánh nhỏ, sau đó mới nhặt từng hạt gạo trắng ra để mang ướp trà. Nếu tay bóc không khéo thì hạt gạo sẽ bị nát và trà sẽ kém hương”, bà Hiền kể.
Còn với bà Ngô Thị Thân (69 tuổi), chủ thương hiệu Trà sen Bà Dần, nghề ướp trà sen không quá khó, từ bé bà đã làm được rồi, nhưng nó đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì. “Đầu tiên là việc chọn trà. Gia đình tôi thường sử dụng loại trà Thái Nguyên thượng hạng, vị ngọt, nước xanh. Tiếp đó là phải chọn đúng sen Bách diệp Hồ Tây mới cho hương vị thơm ngon đặc biệt”. Mặc dù đã truyền lại nghề ướp trà sen cho con cháu, nhưng đến nay dù đã 101 tuổi, cụ bà Nguyễn Thị Dần (mẹ bà Thân) vào mùa sen vẫn cùng đại gia đình tỉ mỉ chọn hoa, tách gạo, ướp trà, làm nên sản phẩm trà ướp sen Tây Hồ được nhiều người yêu thích, tìm mua.
Chính vì cách ướp trà sen rất công phu, cầu kỳ, nên từ xa xưa trà sen Tây Hồ đã là một sản phẩm quý, được dùng để tiến vua và các quan đại thần quý tộc trong triều đình. Ngày nay, trà sen trở thành một trong những đặc sản tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Chẳng hạn, Trà sen Hiền Xiêm được đưa vào phục vụ tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội năm 2019 và được lựa chọn để phục vụ tiệc trà tiếp đón phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc - bà Bành Lệ Viên tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhân chuyến thăm tới Việt Nam năm 2023.
Du khách thưởng thức trà ướp sen Tây Hồ
Thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa làng nghề Thủ đô
Theo nghệ nhân Lưu Thị Hiền, trong thời gian tới, để tiếp tục gìn giữ và phát triển làng nghề, những người làm trà sen Quảng An mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để được tham gia trồng sen Bách diệp tại tất cả các hồ lớn, nhỏ xung quanh Hồ Tây. Cùng với đó là hỗ trợ bà con về giống, kỹ thuật, công nghệ mới trong việc chăm sóc cây sen - nguồn nguyên liệu chính để sản xuất trà sen.
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng khẳng định, hoa sen không chỉ được khai thác sản phẩm từ hoa để cắm, trang trí mà hạt sen tươi, củ sen, hạt sen khô đều được sử dụng làm nguyên liệu nấu ăn hay chế biến thành các sản phẩm ăn liền rất ngon lại tốt cho sức khỏe; trà tâm sen, trà ướp hoa sen, trà lá sen... là những đặc sản gắn liền với thói quen thưởng thức ẩm thực của người dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, các nghệ nhân làng nghề còn chế tác ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lá sen, cọng sen như túi, làn, nón... được du khách nước ngoài yêu thích. Rất nhiều sản phẩm từ sen đã được công nhận là mặt hàng OCOP tiêu biểu.
Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều lý do, diện tích trồng sen ngày càng dần mai một. Để giữ gìn, khôi phục và phát triển diện tích trồng sen, giữ nét văn hóa Việt, văn hóa của người Hà Nội, quận Tây Hồ đã và đang triển khai thực hiện Đề án khôi phục trồng sen Bách diệp tại 18 hồ trên địa bàn Thành phố, nhằm khôi phục và bảo tồn giống sen nổi tiếng, đồng thời phát huy giá trị kinh tế và văn hóa sen Tây Hồ. Song song đó, Quận tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu về tiềm năng, lợi thế, vai trò của việc trồng sen, kết nối với các công ty lữ hành, tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo. Qua đó góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa làng nghề trên địa bàn quận nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.
Quỳnh Hoa