Non nước Việt Nam

Hà Nội: Khởi công xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi

Cập nhật: 15/11/2022 06:19:26
Số lần đọc: 756
Sáng ngày 14/11, tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín (Hà Nội), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thường Tín đã tổ chức khởi công Dự án Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội và huyện Thường Tín phát lệnh khởi công dự án.

Tới dự có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Theo Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, để vinh danh Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thường Tín tổ chức khởi công xây dựng công trình Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi trên diện tích 27.000m², tổng mức đầu tư 144 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện. Dự án gồm ba khu, gồm các hạng mục như cổng chính, cổng phụ, lầu chiêng, gác trống, nhà trưng bày, nhà tám mái, hồ bán nguyệt, tượng đài… Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2024.

Các đại biểu dự lễ khởi công Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội phát biểu phát lệnh khởi công xây dựng dự án, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, Dự án xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi là công trình có ý nghĩa to lớn về văn hóa và nơi giáo dục tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Để dự án được thực hiện thành công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, nhất là người đứng đầu cấp ủy các cấp cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật. Đặc biệt, đối với một dự án văn hóa-lịch sử, cần có phương pháp khoa học và thực hiện nghiêm túc các quy định và yêu cầu trong quản lý về văn hóa-lịch sử của các bộ, ngành Trung ương.

Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi có quê gốc tại xã Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, nay là thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đến thời ông nội của Nguyễn Trãi thì chuyển đến làng Nhị Khê sinh sống. Thời thơ ấu, Nguyễn Trãi sống, học chữ ở Nhị Khê. Sau vụ thảm án Lệ Chi Viên, năm Quang Thuận thứ 5 (1464), vua Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi.

Để ghi nhớ và tôn vinh công lao của ông, hậu duệ của dòng tộc đã lập nhà thờ Nguyễn Trãi ở xóm Trù Lý, đến thời Minh Mạng mới chuyển ra địa điểm hiện nay là thôn Nhị Khê, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín. Năm 1964, nhà thờ Nguyễn Trãi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Mặc dù công trình thường xuyên được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm tu bổ, tôn tạo và đã khôi phục một số hạng mục, tuy nhiên quy mô còn nhỏ, chưa tương xứng với công lao của Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Do vậy, huyện Thường Tín đã đề xuất và được Thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương xây dựng công trình Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi trên diện tích 2,7ha khu Ao Huê-Trại Ổi - nơi trước đây cụ Nguyễn Phi Khanh, thân sinh của Nguyễn Trãi, mở trường dạy học.

Quốc Toản

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn -Ngày đăng 14/11/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT