Hà Nội: Không gian xanh giữa lòng di sản
Khu đầm hoa sen, hoa súng tại thôn Lan Trì, xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) thu hút người dân tham quan, chụp ảnh. Ảnh: Đỗ Phong
Mô hình mang lại nhiều lợi ích
Cùng với Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Loa Nguyễn Văn Sơn, chúng tôi đến tham quan khu đầm hoa sen, hoa súng tại thôn Lan Trì, xã Cổ Loa. Trải khắp khu đầm hơn 1,5ha là một không gian đa sắc màu. “Mô hình trồng hoa sen, hoa súng này do anh Hoàng Đình Hồng thực hiện, có nguồn vốn đầu tư 1,8 tỷ đồng, trong đó vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội ủy thác là 20 triệu đồng, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 70 triệu đồng...”, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết.
Năm 2019, Hội Nông dân xã Cổ Loa đầu tư trồng hoa sen, hoa súng trên vùng ruộng trũng Ao Tràm, thôn Lan Trì và kêu gọi hội viên tham gia nhưng mô hình khá mới lạ nên chưa ai hưởng ứng. Để chứng minh hiệu quả của mô hình này, xã Cổ Loa đã khảo sát vùng sản xuất, xây dựng đề án trình UBND huyện Đông Anh. Thực tế, hoa sen, hoa súng cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa, ước tính thu nhập bình quân đạt khoảng 350 triệu đồng một năm.
Theo anh Hoàng Đình Hồng, khi Hội Nông dân xã Cổ Loa đưa ra mô hình trồng hoa sen, hoa súng, không hội viên nào “dám” bắt tay thực hiện bởi ngại thay đổi cách làm nông. Nhưng với xã hội phát triển, cần phải đổi mới và bắt nhịp với thời đại, đó là lý do anh quyết tâm cùng với Hội Nông dân xã Cổ Loa thực hiện mô hình này.
“Với số tiền tích cóp được khoảng 150 triệu đồng, tôi phối hợp với hội mua sắm trang thiết bị, cây giống, chậu hoa, phân bón, thuê đất để trồng. Lứa đầu, thử nghiệm 200 chậu hoa súng, mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng đã có lãi. Từ đó tôi quyết tâm đầu tư mở rộng mô hình trồng hoa. Không chỉ tăng thu nhập cho gia đình, mô hình này còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 4 đến 6 lao động, thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi đưa ra thị trường khoảng 850-1.000 bông hoa các loại; hoa súng có giá 5.000 đồng/bông, hoa sen có giá 10.000 đồng/bông; bình quân mỗi tháng thu lãi hơn 40 triệu đồng”, anh Hoàng Đình Hồng cho biết.
Đến nay, đầm hoa sen, hoa súng của anh Hoàng Đình Hồng đã có tới 3.000 chậu hoa, trồng theo hình thức gối đầu với nhiều chủng loại, đủ các màu sắc. Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật cho hay: Mô hình trồng hoa sen, hoa súng kết hợp phát triển du lịch - dịch vụ của Hội Nông dân xã Cổ Loa, trong đó hội viên Hoàng Đình Hồng đứng ra triển khai đã phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Kết hợp phát triển du lịch
Đầm hoa sen, hoa súng tại xã Cổ Loa đã trở thành điểm bán loài hoa này, nhiều người mua về trồng trong hồ cá hay trang trí ở các khu nghỉ dưỡng, biệt thự... Ngoài ra, hoa sen, hoa súng còn được bán buôn cho các đại lý, quầy hàng hoa tươi trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Hiện nay, "đầu ra" của hoa sen, hoa súng khá ổn định, thường thiếu hàng vào dịp lễ, Tết.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất và phát triển thị trường, anh Hoàng Đình Hồng đã chủ động quảng cáo trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook… Vì vậy, dù mới đi vào hoạt động, mô hình này đã được nhiều người biết đến bởi những sản phẩm từ hoa sen, hoa súng và là một khu sinh thái hấp dẫn với cảnh quan đẹp, môi trường trong lành. Đông đảo người dân trong và ngoài thành phố Hà Nội đã đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh... và nhiều đơn vị đến học tập kinh nghiệm.
Đánh giá về mô hình trồng hoa súng, hoa sen của Hội Nông dân xã Cổ Loa, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng nhận định: Với hướng đi đúng, cách tiếp cận hợp lý, áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, cộng với cách thức quản lý phù hợp, mô hình trồng hoa sen, hoa súng của Hội Nông dân xã Cổ Loa đem lại hiệu quả cao và sẽ được nhân rộng tại các vùng chuyển đổi đất lúa trũng, kém hiệu quả, từ đó tạo ra những thành công trên cả phương diện kinh tế - xã hội và văn hóa.
Theo Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật, để duy trì và phát triển mô hình, mở rộng diện tích trồng hoa sen, hoa súng, xã Cổ Loa sẽ phối hợp với Hội Nông dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng đào tạo, chuyển giao kinh nghiệm. Mặt khác là tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ, chuỗi giá trị, gắn với phát triển du lịch.
Với vị trí địa lý thuận lợi, có thể kết nối giao thông từ khu di tích Cổ Loa tới Trung tâm Triển lãm hội chợ quốc gia và Công viên Kim Quy, việc hình thành các mô hình trồng hoa sen, hoa súng sẽ tạo điểm nhấn cho không gian xanh, bình yên của vùng đất Cổ Loa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh tại địa phương.
Đỗ Minh