Hà Nội: Lặng lẽ Bích Câu đạo quán
Xưa kia, các đạo sĩ thường tới đây luyện phép và thờ cúng tiên ông Trần Tú Uyên - một danh y tài giỏi, có công giúp vua Lê Thánh Tông dẹp giặc. Bích Câu đạo quán còn là nơi tao nhân mặc khách và các quan lại, nho sinh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám tụ hội để dâng, vịnh thơ phú. Thế kỷ XVII, đạo giáo suy thoái, nhiều đạo quán được chuyển thành đền, chùa. Vì thế, trong khuôn viên Bích Câu đạo quán hiện có cả chùa và điện thờ Mẫu.
Sau khi chuyển thành đình Bích Câu, người dân làng An Trạch vẫn thờ phụng Thành hoàng làng Trần Tú Uyên. Suốt một thời gian dài, Bích Câu đạo quán rơi vào cảnh đổ nát và bị thực dân Pháp đốt cháy. Năm 1953, dân làng An Trạch đã quyên góp, tu bổ lại di tích. Quán hiện vẫn nằm trên gò Quy Đôi xưa, có kiến trúc kiểu chữ “đinh”, gồm: Nghi môn, tiền tế, hậu cung, nhà mẫu, nhà khách.
Nghi môn gồm 4 trụ biểu có tiết diện hình vuông, được trang trí hình trái dành cách điệu trên các trụ đỉnh, phía dưới là các ô lồng đèn đắp hình tứ linh, tứ quý. Chính giữa đắp bức cuốn thư đề 4 chữ: “Bích Câu đạo quán”. Cổng chính là lối ra vào duy nhất. Hai cổng bên là tường lửng trang trí hình văn triện được khảm sành, sứ.
Qua nghi môn, bước qua bậc tam cấp là một khoảng sân rộng, chính giữa có bể nước hình tròn. Tiền tế được xây kiểu ba gian hai chái, kết cấu dạng chồng diêm hai tầng tám mái. Đỉnh mái trên đắp hình mặt trời, hai đốc mái đắp hình thủy quái makara (loài quái vật biển trong thần thoại Hindu giáo mang hình thù cá sấu) chầu vào. Giữa hai tầng mái là bức hoành phi đề 4 chữ Hán: “Thần kinh tại hội”, nghĩa là các bậc thần tiên tụ hội tại đây. Hậu cung là nếp nhà dọc 3 gian, được xây kiểu tường hồi bít đốc. Bên trong là một bệ cao đặt khám thờ gỗ với 3 pho tượng: Tượng tiên ông Tú Uyên ở chính giữa, bên phải là tiên bà Giáng Kiều và bên trái là tiên con Châu Nhi.
Nhà mẫu và nhà khách nằm phía bên phải kiến trúc chính. Nhà mẫu có kết cấu kiểu chữ “đinh”, gồm tiền tế và hậu cung. Nhà khách là nơi biểu diễn của giáo phường ca trù Thăng Long. Tại Bích Câu đạo quán hiện còn bảo lưu một số di vật quý như 3 pho tượng đạo Lão, hương án, khám thờ, hoành phi, cửa võng, câu đối, chấp kích…
Với những giá trị tiêu biểu, năm 1990, Bích Câu đạo quán đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Mộc Lam