Hà Nội: Làng nghề truyền thống tất bật vụ Tết
Người dân làng hương Quảng Phú Cầu (Hà Nội) khẩn trương sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán.
Những ngày cận Tết, các làng nghề truyền thống càng khẩn trương, hối hả sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây cũng là thời điểm để người dân tăng thêm thu nhập.
Đẩy mạnh sản xuất, giữ vững chất lượng
Càng gần Tết, người dân tại làng nghề hương trăm tuổi Quảng Phú Cầu, xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa (Hà Nội) càng khẩn trương, tất bật với những đơn hàng nhiều chủng loại, đa dạng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết.
Bà Nguyễn Thu Phương, hộ kinh doanh tại thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu cho biết, cơ sở hiện nay đang có hơn 10 nhân công chuyên sản xuất các loại như: Hương vòng, nụ trám từ bi hương, hương bồ kết từ bi hương, hương quế từ bi hương… Tất cả được đặt hàng theo số lượng lớn từ vài chục đến vài trăm triệu/ đơn hàng.
Sản phẩm hương Quảng Phú Cầu gói trọn sự tinh túy của nguyên liệu và sự khéo léo của nghệ nhân, khi đốt có mùi thơm dịu nhẹ rất đặc trưng, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Chính nhờ “hữu xạ tự nhiên hương”, người Quảng Phú Cầu bao đời nay đều có cuộc sống sung túc. Dịp Tết Nguyên đán, là dịp để người dân địa phương tăng nguồn thu với nhiều đơn hàng có số lượng lớn và được xuất khẩu sang các thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc.
Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất, địa phương đã tạo mọi điều kiện để các cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất nhiều chủng loại, xây dựng được thương hiệu và đáp ứng tiêu chí vệ sinh môi trường trong lao động, sản xuất. Nhiều sản phẩm đặc trưng của làng nghề: Hương vòng, hương nén… đã được chứng nhận của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) hạng 3 sao, 4 sao và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Thời điểm gần Tết, tại thôn Nà Làng, xã Côn Minh (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn), thủ phủ của nghề miến dong tráng tay cũng đang nhộn nhịp với các đơn hàng số lượng lớn. Các công đoạn chế biến, sản xuất, cắt, đóng gói… đều rất khẩn trương. Bà Lý Thị Huyền, chủ một cơ sở sản xuất miến tráng tay tại thôn Nà Làng cho biết, vào dịp Tết cơ sở của bà luôn phải phát huy hết công suất, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường gần một tấn miến thành phẩm; miến sản xuất tại Côn Minh, có vị ngon đậm đà.
Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc Hợp tác xã Tài Hoan, một địa chỉ sản xuất miến dong có tiếng tại địa phương cũng chia sẻ: Để đạt được sản lượng lên tới 400 tấn miến dong phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay, Hợp tác xã Tài Hoan đã tiến hành bảo dưỡng, cho lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại, nhằm tăng công suất, huy động tối đa nguồn nhân lực để bảo đảm tiến độ đơn hàng, giữ vững uy tín, mẫu mã hình thức đẹp, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Nhờ những nỗ lực của các cơ sở sản xuất, xã Côn Minh, huyện Na Rì đã được công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 1/2024. Đây là động lực để người dân địa phương phát huy thế mạnh của làng nghề. Chủ tịch UBND xã Côn Minh Sằm Văn Thường cho biết, trung bình mỗi năm xã Côn Minh sản xuất hàng nghìn tấn miến dong cung cấp cho thị trường. Để các cơ sở sản xuất bảo đảm nguồn nguyên liệu, hằng năm, xã vận động các hợp tác xã liên kết với người dân duy trì diện tích trồng dong riềng theo chuỗi giá trị; các hợp tác xã, cơ sở, hộ cá thể sản xuất miến dong chú trọng việc xây dựng bao bì, nhãn mác, chất lượng... để sản phẩm đưa ra thị trường đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm dịp Tết
Xuất phát là nghề làm khi nông nhàn, nhưng đến nay nhiều làng nghề truyền thống đã bắt tay vào sản xuất quanh năm. Vào vụ Tết, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, nhiều làng nghề đã bước vào chính vụ. Tại vùng chè xã Ôn Lương, huyện
Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, người dân không những đang tất bật chăm sóc, thu hái chè vụ giáp Tết Nguyên đán mà còn phải nhanh chóng vận chuyển chè về chế biến ngay để có được chất lượng ngon nhất.
Giám đốc Hợp tác xã Chè nông sản Phú Lương Tống Văn Viện cho biết, vào dịp cuối năm, chè luôn bán được giá cao hơn, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán, cho nên hiện hợp tác xã đang tập trung chăm sóc, bổ sung đủ nước, chế phẩm sinh học để cây chè sinh trưởng và phát triển tốt. “Vụ chè đông giáp Tết này, dự kiến gia đình tôi sẽ bán ra thị trường khoảng 5 tạ chè búp khô, với giá bán dao động khoảng 400-500 nghìn đồng/kg”, ông Viện chia sẻ.
Theo lãnh đạo địa phương, ngay từ thời điểm đầu tháng 10 đã có nhiều đơn vị ký hợp đồng thu mua các sản phẩm chè từ phân khúc cao cấp làm quà biếu trong dịp Tết Nguyên đán với khối lượng hơn 2 tấn. Hiện nay, các cơ sở sản xuất đều tập trung đẩy mạnh sản xuất dòng sản phẩm trà cao cấp để làm quà tặng dịp Tết.
Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên Trần Nho Hưởng cho biết: Hiện các làng nghề đều đã tăng công suất gấp hai đến ba lần so với những tháng trước đó, nhất là các làng nghề chế biến nông sản như chè. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã phối hợp các sở, ban, ngành, hoặc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức các hội chợ, tuần hàng để kết nối, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm cho bà con nông dân.
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công thương, các quận, huyện mở nhiều điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, qua đó kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Để hỗ trợ cho các làng nghề phát triển, nhiều huyện gắn phát triển kinh tế làng nghề với du lịch sinh thái và trải nghiệm, từ đó, tạo bứt phá cho những làng nghề ngoại thành vươn lên thành “trụ đỡ” kinh tế của địa phương.
Chính quyền luôn sát cánh cùng người dân, hỗ trợ tối đa để làng nghề truyền thống tận dụng sức lao động và nguyên liệu sẵn có của địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn. Đây không chỉ là đích đến trong việc nâng cao thu nhập cho người dân mà còn đưa những sản phẩm chất lượng đến thị trường, phục vụ nhu cầu Tết Giáp Thìn 2024 đủ đầy trong an toàn và hạnh phúc.
Bài và ảnh: Quỳnh Anh