Hoạt động của ngành

Hà Nội: Thúc đẩy du lịch nhờ công nghệ

Cập nhật: 24/02/2020 14:32:31
Số lần đọc: 943
Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, xúc tiến, các hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ du lịch của TP. Hà Nội ngày càng được nhiều du khách biết đến, qua đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp không khói của Thủ đô.


Cổng TTĐT du lịch battrangtour.net quảng bá du lịch Bát Tràng. Ảnh: Bích Phương

Thực hiện đề án Du lịch thông minh, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với VNPT Hà Nội hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả các nội dung của đề án. Cụ thể, hoàn thành việc cập nhật hệ thống quản lý dữ liệu của Sở Du lịch Hà Nội. Hệ thống này được sử dụng tại Sở Du lịch Hà Nội, có khả năng chia sẻ, dùng chung cho các ứng dụng, dịch vụ du lịch của TP. Hà Nội và cả nước gồm hai thành phần chính: Cơ sở dữ liệu du lịch Hà Nội và phần mềm quản lý khai thác dữ liệu du lịch Hà Nội.

Đến nay, hệ thống quản lý dữ liệu đã hoàn thiện kho tích hợp và số hóa dữ liệu ngành Du lịch Hà Nội. Lĩnh vực cơ sở lưu trú đã cập nhật lên phần mềm 3.494 cơ sở lưu trú, 20 nhà hàng đạt chuẩn, 24 cơ sở mua sắm đạt chuẩn, 7 cơ sở vui chơi - giải trí đạt chuẩn, một cơ sở thể thao đạt chuẩn. Lĩnh vực lữ hành đã cập nhật 1.346 doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế, 5.722 hướng dẫn viên du lịch, 10 văn phòng đại diện lữ hành nước ngoài tại Hà Nội, 67 doanh nghiệp vận chuyển du lịch. Lĩnh vực quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch đã cập nhật thông tin của 10 điểm du lịch và khu du lịch cấp thành phố.

Cùng đó, hệ thống này đã xây dựng và đưa vào vận hành thử nghiệm ứng dụng (App) khám phá du lịch có tên Visit Hanoi chạy trên các hệ điều hành di động IOS và Android. Sở Du lịch đang tiếp tục phối hợp với VNPT Hà Nội xây dựng ứng dụng với tên gọi Myhanoi trên App Store và Google Store.

Cổng thông tin điện tử du lịch Hà Nội với tên miền sodulich.hanoi.gov.vn và tourism.hanoi.gov.vn với các ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp đã hoàn thiện. Cổng thông tin này tập trung vào 3 nội dung: Thông tin công tác quản lý nhà nước về du lịch, hoạt động của các doanh nghiệp và thông tin phục vụ du khách. Tổng số lượng truy cập trang tiếng Việt là gần 250 nghìn lượt, số truy cập bình quân mỗi tháng gần 21 nghìn lượt. Tổng số lượng truy cập trang tiếng Anh gần 45 nghìn lượt, số truy cập bình quân mỗi tháng trên 3,8 nghìn lượt.

Các đơn vị quản lý di tích, điểm tham quan trên địa bàn thành phố đã đưa ứng dụng thuyết minh trên điện thoại di động hoặc thuyết minh tự động qua tai nghe vào hoạt động tại một số  điểm du lịch trọng điểm như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam... Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch về lữ hành, lưu trú, vận chuyển chú trọng ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh.

Điển hình như từ năm 2018, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa hệ thống thuyết minh tự động với 8 thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc) triển khai tại 14 điểm trong di tích. Đây cũng là một trong những di tích đầu tiên của Hà Nội thực hiện hình thức “Tham quan 360 độ” trên website của mình. Khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ cần mở website vanmieu.gov.vn, vào mục “Tham quan 360 độ” là có thể tìm hiểu mọi thông tin ở các điểm của di tích.

Hiện nay, không chỉ riêng di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà tại nhiều di tích khác trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu triển khai du lịch thông minh. Trong đó, di tích Hoàng thành Thăng Long đã sử dụng ứng dụng (app) riêng về Hoàng thành để du khách có thể cài đặt vào điện thoại thông minh, giúp hỗ trợ thuyết minh 5 thứ tiếng. Tháng 10/2019, cùng thời điểm được đón nhận là Điểm du lịch Hà Nội, làng gốm sứ Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đưa vào sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ, như: Cổng thông tin điện tử du lịch battrangtour.net, ứng dụng Du lịch Bát Tràng trên điện thoại di động, thiết bị audio guide… UBND xã Bát Tràng còn đưa vào sử dụng xe đạp thông minh có gắn các thiết bị hướng dẫn hành trình, thuyết minh tự động...

Sở Du lịch Hà Nội còn phối hợp với VNPT Hà Nội lắp đặt hệ thống wifi công cộng, lắp đặt booth tra cứu thông tin du lịch, thiết bị đầu cuối cho mượn tại các khách sạn 4 - 5 sao. Đến nay, giai đoạn 1 của hệ thống wifi công cộng đã hoàn thành việc lắp đặt ở 12 khu vực với 200 điểm, 200 trạm phát và lượng truy cập tại một điểm trung bình đồng thời là 60/200 tại một số điểm du lịch trọng điểm như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, danh thắng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), làng gốm cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), làng họa sĩ Cổ Đô (huyện Ba Vì)... Tính đến tháng 2/2020, hệ thống wifi công cộng có 8,2 triệu lượt truy cập, trung bình đạt từ 400 - 500 nghìn lượt truy cập/tháng.

Trong năm 2020, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện Bản đồ du lịch Hà Nội. Dự kiến triển khai hệ thống tra cứu điện tử; tiếp tục đưa ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh du lịch...

Nguồn: Báo Chính Phủ

Cùng chuyên mục