Hoạt động của ngành

Quy hoạch Vân Đồn thành trung tâm giải trí, du lịch biển đảo cao cấp

Cập nhật: 25/02/2020 08:39:01
Số lần đọc: 933
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 226/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040.


Vịnh Bái Tử Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh

Theo Quyết định, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch trên toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Vân Đồn, Quảng Ninh với 2.171,33 km2. Trong đó, diện tích tự nhiên là 581,83 km2, diện tích vùng biển là 1.589,5 km2.

Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế. Vân Đồn được xác định là đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững và là khu vực có vị trí bền vững về an ninh quốc phòng.

Không gian khu kinh tế Vân Đồn chia theo 2 vùng gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải, định hướng thành 5 vành đai phát triển gồm: Vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; Vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; Vành đai đô thị dịch vụ, văn hoá và vui chơi giải trí (khu vực phía Đông đảo Cái Bầu); Vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần (khu vực phía Tây đảo Cái Bầu); Vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía Tây (thuộc địa giới thành phố Cẩm Phả và huyện Tiên Yên).

Quy hoạch cũng nêu rõ phát triển Vân Đồn phải gắn với bảo vệ môi trường, trong đó gồm một số giải pháp chính như: sử dụng năng lượng tái tạo; ưu tiên phát triển mô hình kiến trúc xanh; duy trì, mở rộng và bảo vệ diện tích mặt nước; khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện môi trường trong các lĩnh vực sản xuất và sinh hoạt; khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, sử dụng năng lượng sạch; sử dụng, khai thác hợp lý nguồn nước, đảm bảo các quy định về môi trường. Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát định kỳ về môi trường tại các khu, cụm công nghiệp và các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để bảo vệ môi trường vịnh Bái Tử Long và khu kinh tế. Bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái, đa dạng sinh học, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn vùng ven biển, cửa sông, các hệ sinh thái san hô tại vịnh Bái Tử Long. Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật xây dựng kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng kế hoạch phòng chống tai biến môi trường đặc biệt tại khu vực ven biển, khu vực phát triển công nghiệp, khu vực hoạt động tàu thuyền du lịch.

Nguồn: vtr.org.vn

Cùng chuyên mục