Hà Nội: Trải nghiệm mới ở vùng chè Ba Trại
Nông dân xã Ba Trại (huyện Ba Vì) trồng chè an toàn hướng tới phát triển du lịch. Ảnh: Hiền Thu
Cây chè cho “của ăn, của để”
Đến với thủ phủ trồng chè của huyện Ba Vì - xã Ba Trại trong những ngày đầu tháng 8 khi cái nắng của mùa hè đã bớt oi nồng, phóng viên Báo Hànộimới cảm nhận được sự tươi mát của vùng đất này. Dẫn chúng tôi tham quan vườn chè rộng khoảng 1 mẫu, được trồng theo quy trình VietGAP, ông Nguyễn Văn Cứ (thôn 2, xã Ba Trại) tâm sự: “Trồng chè an toàn giảm chi phí đầu vào, trong khi năng suất lại tăng gấp đôi. Do có hương vị đặc trưng và là chè sạch nên giá bán cao hơn 20-30% so với những loại khác. Hiện tại, chè búp khô của làng nghề xã Ba Trại được bán với giá dao động 300.000 đến hơn 400.000 đồng/kg. Cây chè đã giúp nâng cao đời sống của người dân…”.
Trong câu chuyện với chúng tôi bên vườn chè xanh ngát căng tràn nhựa sống, ông Nguyễn Văn Dũng (thôn 5, xã Ba Trại) chia sẻ, gia đình ông về đây lập nghiệp từ những năm 60 của thế kỷ trước. Cây chè thực sự đã nuôi sống nhiều thế hệ người dân. Chè Ba Trại có vị khác biệt, hương thơm tự nhiên, đậm đà, nước có màu xanh, sánh vàng... Đó chính là hương vị kết tinh của chất đất, nguồn nước, nắng, gió vùng đồi gò, cộng thêm bí quyết chọn chè, sao chè của người dân Ba Trại.
Tự hào về cây chè quê hương, Chủ tịch UBND xã Ba Trại Hoàng Văn Chuyển thông tin, cây chè chiếm hơn 60% trong cơ cấu kinh tế của xã và từ năm 2013 đến nay, người dân đã đưa giống chất lượng cao vào sản xuất theo hướng an toàn. Tổng diện tích trồng chè của Ba Trại vào khoảng 560ha thì có tới 70% trồng giống chất lượng cao và có gần 50ha chè được cấp chứng nhận VietGAP. Xã Ba Trại đã có 9/10 thôn được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề chế biến chè búp khô truyền thống. Sản lượng chè của xã đạt trên 5.000 tấn/năm, chiếm gần 50% tổng sản lượng chè của huyện Ba Vì. Nhờ cây chè, nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo, có “của ăn, của để”.
Trong xây dựng nông thôn mới, nghề trồng chè là một trong những lợi thế của địa phương, đặc biệt với tiêu chí môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, giờ đây, người dân xã Ba Trại không chỉ quan tâm đến nâng cao chất lượng giống mà còn chú trọng khâu canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng nhiều máy móc, thiết bị phun, tưới, sao chè. Chè Ba Trại đã có tên trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là cơ hội để người dân gìn giữ, phát triển làng nghề truyền thống, đặc biệt là tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Kết hợp sản xuất với du lịch
Trong xu thế phát triển của xã hội, nhận thấy cây chè có khả năng song hành với loại hình du lịch nông nghiệp, nên nhiều người dân đã thay đổi tư duy. Bà Đặng Thị Chanh (thôn 3, xã Ba Trại) cho biết, những năm gần đây, nhiều gia đình ở nội thành Hà Nội lên Ba Trại mua đất xây dựng khu nghỉ dưỡng, đây là cơ hội để xã mở rộng dịch vụ du lịch nông thôn. Từ đó, cây chè cũng có thêm cơ hội quảng bá thương hiệu…
Để tận dụng xu thế này, theo Chủ tịch UBND xã Ba Trại Hoàng Văn Chuyển, xã đã vận động các hộ dân cải tạo vườn chè và khuôn viên của gia đình, làm đẹp cảnh quan, tạo điều kiện thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm đồi chè. Xã cũng đã quy hoạch đường giao thông, đầu tư bãi đỗ xe ô tô để thuận tiện cho việc đón các đoàn khách. Hiện nay, các con đường vào làng đều được bê tông hóa, ven đường trồng hoa, cây cảnh, tạo nên một không gian trong sạch, yên bình. Hướng phát triển này mang lại hiệu quả “kép”, vừa làm thay đổi diện mạo cho vùng quê miền núi Ba Trại, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế là, dù sản phẩm chè búp khô Ba Trại cho giá trị kinh tế cao, nhưng để phát triển bền vững, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, huyện Ba Vì cần quy hoạch xã Ba Trại trở thành vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến chè chất lượng cao của thành phố. Cùng với đó, hướng dẫn nông dân mở rộng diện tích trồng chè theo hướng an toàn kết hợp với xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến..., tạo thành chuỗi khép kín, thuận lợi cho du khách tới tham quan, trải nghiệm vùng chè; đồng thời quy hoạch khu bán hàng kết hợp với các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng... Người nông dân cần chung tay với chính quyền địa phương trong việc giữ gìn làng quê xanh, sạch, đẹp, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch tới tham quan.
Nâng cao giá trị sản phẩm, gắn phát triển sản xuất với các loại hình du lịch là hướng đi mới của Ba Trại, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngọc Quỳnh