Non nước Việt Nam

Hà Tĩnh: Người Trường Lưu giữ gìn nhà cổ

Cập nhật: 06/11/2020 09:47:52
Số lần đọc: 1317
Trầm lặng giữa vùng văn hóa Trường Lưu, nhiều ngôi nhà cổ ở xã Kim Song Trường (Can Lộc - Hà Tĩnh) vẫn được mỗi thế hệ người dân gìn giữ, trân trọng như những báu vật vô giá...

Ngôi nhà hơn 300 tuổi của gia đình ông Nguyễn Huy Thản đã được thay mái ngói

Trong quần thể rất nhiều những dấu vết cổ xưa còn hiện hữu ở thôn Xuân Phượng, nhiều người dân đặc biệt ấn tượng với ngôi nhà cổ hơn 300 năm tuổi của ông Nguyễn Huy Thản - một trong những ngôi nhà có độ luổi lâu đời nhất nằm trong khuôn viên vườn hoa cụ Thám (Thám hoa Nguyễn Huy Oánh).

Lẫn khuất giữa không gian xanh của khu vườn, nét cổ kính của ngôi nhà đã mang đến trong tâm hồn của mỗi người sự bình yên, lắng đọng sau những ồn ào, xô bồ của cuộc sống.

Ông Thản định cư cùng con cháu ở TP Hồ Chí Minh nên việc bảo quản ngôi nhà được giao cho gia đình người cháu ở gần kề trông coi, chăm sóc.

Ông Nguyễn Huy Hùng - người bảo quản ngôi nhà cho biết: “Ông Thản rất coi trọng việc giữ gìn kiến trúc của ngôi nhà. Hơn 300 năm tuổi, nhiều hạng mục của ngôi nhà đã bị xuống cấp. Ông Thản đã tìm hiểu kiến thức từ nhiều nguồn để cố gắng bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng ngôi nhà. Năm 2013, một số hạng mục ngôi nhà phải thay mới nhưng ông Thản vẫn giữ được kiến trúc cổ”.

Bên cạnh những kiến trúc hiện đại, nhiều gia đình, dòng họ ở Trường Lưu vẫn nỗ lực gìn giữ của những ngôi nhà do ông cha để lại

Xã Kim Song Trường hiện còn có rất nhiều ngôi nhà cổ. Trong đó, quần thể những ngôi nhà cổ của anh em họ hàng trong dòng họ Nguyễn Huy là nét độc đáo ở vùng quê này. Điểm chung của các ngôi nhà đều được làm bằng gỗ lim, hệ thống xà, cột, kèo bằng gỗ được khắc chạm tinh xảo, trong nhà treo rất nhiều bức hoành phi khắc bằng chữ Hán Nôm. Nhiều bức hoành phi, câu đối có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Bà Trần Thị Lan (90 tuổi) cho biết: “Tôi lấy chồng về đây thì đã nghe ông bà kể, ngôi nhà đã có từ lâu lắm. Tính đến nay, ước chừng cũng hơn 200 năm tuổi. Kiến trúc cổ vẫn được giữ nguyên, trong nhà còn có bức câu đối hình lá chuối rất độc đáo.

Đôi câu đối này đã từng được thương nhân người Huế trả giá hơn 300 triệu đồng nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện bán đi kỷ vật của cha ông. Với chúng tôi, đó là báu vật vô giá mà cha ông lưu lại cho con cháu muôn đời sau và chúng tôi có nghĩa vụ phải giữ gìn”.

Đôi câu đối hình lá chuối của gia đình bà Trần Thị Lan

Những căn nhà gỗ nhuốm màu thời gian nằm yên bình giữa làng quê ẩn chứa những câu chuyện đáng tự hào về nếp xưa của gia đình, dòng họ.

Ông Nguyễn Huy Hùng - con trai bà Lan cho biết: “Với tôi, ngôi nhà không chỉ là nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ, là quá trình trưởng thành của bản thân mà còn in đậm dấu tích của cha ông, là nền tảng phát triển của lớp cháu con hậu thế. Vì thế, tôi rất tự hào về những giá trị vô giá của gia đình, dòng họ qua những ngôi nhà cổ. Chúng tôi sẽ cố gắng bảo vệ và lưu giữ cho thế hệ mai sau”.

Trải qua thời gian, kiến trúc của các ngôi nhà vẫn không thay đổi nhiều, các vật dụng được bảo quản, giữ gìn nhưng sự khắc nghiệt của thời tiết cũng khiến nhiều ngôi nhà cổ ở xã Kim Song Trường xuống cấp. Ngôi nhà hơn 100 tuổi của gia đình ông Nguyễn Huy Đàn nằm trong số đó.

Dù đã cố gắng giữ nguyên kiến trúc và hình dáng cũ, nhưng việc phục hồi nguyên trạng hết sức khó khăn. Vì thế, quá trình sửa chữa, con cháu của ông đã cố gắng để nếu cần thay thế hạng mục nào đó thì cũng vẫn mô tả được tính cổ của ngôi nhà.

Hiện nay, vùng văn hóa Trường Lưu đang có hàng chục ngôi nhà gỗ được thiết kế theo phong cách cổ xưa, trong đó có 10 ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi. Những ngôi nhà này đều được đưa vào diện cần bảo tồn để phát huy giá trị văn hóa truyền thống nhưng việc gìn giữ, trùng tu, tôn tạo nhà cổ hiện nay gặp nhiều khó khăn về kinh phí.

Ngôi nhà hơn 100 tuổi của ông Nguyễn Huy Đàn đã được con cháu sửa sang nhưng vẫn cố gắng giữ nguyên kiến trúc và hình dáng cũ

Ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường cho biết: “Để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống từ những ngôi nhà cổ, thời gian qua, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động con cháu trong dòng họ với mong muốn họ phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc huy động nguồn lực để gìn giữ, tôn tạo những hạng mục xuống cấp”.

Xã cũng đã đề xuất nguyện vọng, các cấp, ngành liên quan cần sớm thẩm định và công nhận di tích nhà cổ trên địa bàn, từ đó có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho việc tu bổ, tôn tạo để lưu giữ nét văn hóa cho muôn đời sau. Đây cũng là một điểm nhấn trong quần thể di tích văn hóa Trường Lưu sẽ được đưa vào khai thác trong các tour du lịch.

Giữa cuộc sống hiện đại, những ngôi nhà cổ ở làng Trường Lưu gợi lên những ký ức xa xưa với sự yên bình, thân thuộc của làng quê. Vượt lên những giá trị về vật chất, những ngôi nhà cổ đã trở thành niềm tự hào về truyền thống họ tộc, nếp gia phong; là nơi giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn và chắp cánh cho bao ước vọng của con cháu mai sau.

Chính vì thế, việc bảo tồn các ngôi nhà cổ ở Trường Lưu không chỉ là bảo tồn nét văn hóa, nét độc đáo, tinh tế trong kiến trúc nhà ở của ông cha, mà còn là việc bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần vô giá cho thế hệ con cháu.

Thúy Ngọc

Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT