Hoạt động của ngành

Hà Tĩnh tìm giải pháp phát triển du lịch xanh bền vững

Cập nhật: 16/11/2024 10:16:59
Số lần đọc: 134
(TITC) - Chiều 15/11, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đã dự và phát biểu tại Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch xanh bền vững tại Hà Tĩnh” do Sở VHTTDL Hà Tĩnh phối hợp Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu; Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh Nguyễn Viết Trường; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh Trần Quốc Lâm; cùng nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cho biết, Hà Tĩnh là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch với nguồn tài nguyên tự nhiên đa dạng về vùng biển, rừng, sông hồ và nhiều giá trị văn hóa di sản đặc sắc. Hà Tĩnh có 2 danh nhân được UNESCO vinh danh là Đại thi hào Nguyễn Du và Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Hà Tĩnh cũng có 5 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, trong đó, 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Dân ca Ví, Giặm và Ca trù; 3 di sản tư liệu ký ức thế giới châu Á Thái Bình Dương là Hoàng Hoa sứ trình đồ, Mộc bản trường học Phúc Giang và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu, thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp ngành địa phương, du lịch Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Dù vậy, sự phát triển của du lịch Hà Tĩnh vẫn chưa đạt như kỳ vọng, phát triển du lịch xanh, bền vững vẫn chưa hiệu quả. “Đây là hạn chế, cũng là cơ hội để du lịch Hà Tĩnh tiếp thu các kinh nghiệm của các địa phương khác về cách thức xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch cân bằng sinh học và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu nêu rõ.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy phát biểu tại hội thảo

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu đồng thời cho rằng, du lịch Hà Tĩnh đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển. Đó là những thách thức từ việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; những vấn đề về quá tải cục bộ; tính mùa vụ; sự tác động của biến đổi khí hậu… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu cũng mong muốn các chuyên gia du lịch sẽ nêu rõ các yêu cầu mới, các xu hướng mới về du lịch xanh trong bối cảnh hiện nay, trao đổi về các quan điểm, giải pháp, kinh nghiệm về phát triển du lịch xanh bền vững của tỉnh Hà Tĩnh.

“Đề nghị cơ quan chuyên môn về du lịch, Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh tiếp thu các giải pháp thiết thực để đề xuất, tham mưu UBND tỉnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác phát triển du lịch xanh trên địa bàn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, cùng nhau phát triển theo hướng xanh, bền vững, góp phần đưa du lịch Hà Tĩnh phát triển tương xứng với tiềm năng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà đại hội Đảng các cấp đề ra” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu chỉ đạo.

Lãnh đạo tỉnh đồng thời nhấn mạnh việc tập trung vào công tác quản lý du lịch xanh. Trong đó, tập trung tham mưu thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch xanh; định hướng các cơ sở kinh doanh du lịch, doanh nghiệp du lịch khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm, tạo ra sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh; tiêu dùng du lịch xanh. Đặc biệt, nâng cao nhận thức hơn nữa cho các ngành, các cấp, địa phương đơn vị kinh doanh du lịch về vai trò, vị trí và ý nghĩa của phát triển du lịch xanh. Quan tâm đầu tư xây dựng điểm đến và sản phẩm dịch vụ du lịch xanh; huy động tổng thể nguồn lực để thực hiện tăng trưởng du lịch xanh trên địa bàn Hà Tĩnh.

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 7 tham luận, 2 ý kiến tập trung đánh giá một cách toàn diện các vấn đề phát triển du lịch xanh bền vững. Các ý kiến làm rõ khái niệm du lịch xanh; chia sẻ các mô hình du lịch xanh hiệu quả của thế giới; đề xuất các mô hình, phát triển sản phẩm du lịch xanh ở Hà Tĩnh… Ban tổ chức cũng đã nhận được 20 tham luận từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia về lĩnh vực du lịch trong và ngoài tỉnh gửi về. Các tham luận có nội dung phong phú, sinh động; hàm lượng khoa học cao, cách tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn đa chiều đã làm sáng tỏ nhiều khía cạnh lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch xanh.

Thông qua thảo luận, các đại biểu đã thống nhất kiến nghị một số giải pháp cụ thể cho địa phương. Trong đó, tập trung rà soát lại quy hoạch du lịch, hướng tới xây dựng những khu du lịch có tầm cỡ; kêu gọi đầu tư và thống kê danh mục đầu tư cụ thể. Phát triển nguồn nhân lực du lịch nói chung và du lịch xanh nói riêng; đề ra tiêu chí cụ thể cho các sản phẩm du lịch xanh. Đặc biệt, cần đánh giá đúng vai trò của công tác tuyên truyền quảng bá du lịch, du lịch xanh để hướng tới có những chính sách, cách làm quảng bá du lịch hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch.

Chủ trì hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đã chia sẻ thông tin khái quát về tình hình phát triển du lịch cả nước thời gian qua; một số kết quả đạt được trong hoạt động phát triển du lịch xanh bền vững. Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy đồng thời đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của Hà Tĩnh; mong muốn thông quả hội thảo, Hà Tĩnh sẽ đánh giá được thực trạng phát triển du lịch xanh trên địa bàn. Từ đó, tìm hướng đi phù hợp để phát triển du lịch xanh bền vững trong thời gian tới. “Kết quả hội thảo là một trong những cơ sở thực tiễn để Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam có những đánh giá cụ thể về phát triển du lịch xanh từ các địa phương” - Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.

Thay mặt Ban tổ chức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh Trần Quốc Lâm cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến đề xuất, góp ý tại hội thảo; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các cấp thẩm quyền các giải pháp để Hà Tĩnh phát triển du lịch xanh bền vững, tương xứng với tiềm năng hiện có, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 15/11/2024

Cùng chuyên mục