Hai bảo vật quốc gia ở cùng một di tích
Di tích đền-chùa bà Tấm thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội không chỉ nổi tiếng bởi lịch sử lâu đời mà còn đang lưu giữ hai bảo vật quốc gia độc đáo là tượng đôi sư tử đá và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng.
Ông Dương Văn Thức giới thiệu bảo vật quốc gia tượng đôi sư tử đá.
Mặc dù nằm cạnh Quốc lộ 5 đông người, xe qua lại, song Di tích đền-chùa bà Tấm vẫn giữ được vẻ tĩnh mịch của chốn tâm linh. Từ xa, di tích nổi bật với tượng Đức Quốc mẫu Nguyên phi Ỷ Lan bằng đồng nguyên chất cao 9,1m, nặng 30 tấn, phía sau là bức phù điêu có diện tích hơn 140m2 bằng đá xanh. Bước vào cổng di tích là không gian kiến trúc mang phong cách triều Lý với thủy đình, đôi rồng thời Lý được phục chế năm 2000. Đền bà Tấm được xây dựng từ cuối thế kỷ XI, là nơi phụng thờ Nguyên phi Ỷ Lan. Đền được xây dựng theo kiến trúc cung đình thời Lý với 72 cửa, thuộc loại cổ bậc nhất nước ta. Trong khi chùa bà Tấm mới được chính quyền và nhân dân địa phương phục dựng năm 2015 nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc độc đáo.
Dẫn chúng tôi đi tham quan di tích, ông Dương Văn Thức, thành viên Ban quản lý Di tích đền-chùa bà Tấm tự hào cho biết: “Trong đền và chùa có nhiều hiện vật quý giá. Trong đó, nổi bật là đôi sư tử điêu khắc bằng đá được đặt trong chùa. Sư tử có trán lạc đà ngắn, giữa trán chạm chữ "Vương" để thể hiện quyền năng tối thượng của linh vật. Trong đền có cặp khám thờ sơn son thếp vàng, bên trong đặt các linh vị, ngay chính giữa khám thờ viết hai chữ "Thần Chủ". Ngoài ra, trong Di tích đền-chùa bà Tấm còn có một thành bậc bằng đá liền khối, điêu khắc rồng, lân thời Lý đang chạy xuống”.
Đền bà Tấm có kiến trúc thuộc dạng cổ bậc nhất nước ta.
Phía sau chùa hiện vẫn lưu giữ hai tấm bia đá ghi lại lịch sử của Di tích đền-chùa bà Tấm. Được biết, vào năm 2013, UBND huyện Gia Lâm đã đề nghị Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khảo sát, thăm dò và khai quật khảo cổ tại Di tích đền-chùa bà Tấm. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều loại hình di vật là các loại vật liệu và trang trí kiến trúc, một ít đồ men gốm... Đáng chú ý là những mảnh vật liệu trang trí của một kiến trúc tháp đất nung thời Lý tập trung tại hố thám sát thứ nhất, điều này cho thấy, vào thời Lý, trong khuôn viên chùa tồn tại một ngọn bảo tháp có quy mô, cao ít nhất 11 tầng.
Đông đảo du khách thập phương hành hương đến Di tích đền-chùa bà Tấm.
Những năm qua, các thành viên trong Ban quản lý Di tích đền-chùa bà Tấm đã luân phiên túc trực, sẵn sàng giới thiệu về nét độc đáo của kiến trúc, bảo vật, hiện vật nhằm giúp du khách thập phương dễ dàng chiêm bái và có cái nhìn chân thật về di tích trong mỗi đợt hành hương tới đây.
Bài và ảnh: PHÚC ĐIỀN
Nguồn: qdnd.vn