Non nước Việt Nam

Hải Dương: Lễ Mông Sơn thí thực ở Côn Sơn

Cập nhật: 14/02/2023 09:12:34
Số lần đọc: 581
Chiều 13/2, tại chùa Côn Sơn diễn ra Lễ đàn Mông Sơn thí thực, là nội dung cuối cùng khép lại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2023.

Các bậc chư tăng và Ban tổ chức Lễ đàn Mông Sơn thí thực.

Lễ Mông Sơn thí thực chùa Côn Sơn do Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả sáng lập. Đây là nét văn hóa tâm linh tiêu biểu trong lễ hội truyền thống Côn Sơn.

Hằng năm vào dịp lễ hội mùa xuân, Ban tổ chức lễ hội thường tổ chức Lễ đàn Mông Sơn thí thực, thể hiện uy linh của Tam tổ Trúc Lâm; Tư đồ Trần Nguyên Đán và Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; đồng thời bố thí cho các cô hồn âm thế trong toàn quốc để cứu độ chúng sinh, cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình…

Đồ lễ được bầy biện đẹp mắt hai bên đường "chạy đàn".

Đàn Mông Sơn thí thực bao gồm đàn chính và đàn bàn tiến cúng Phật. Đàn chính là nơi tọa đàn của pháp sư Phật, nhị Bồ Tát (tầng trên cùng), của Kim đồng, Ngọc nữ và 2 hành giả (tầng trung). Tầng dưới bày đồ lễ, hoa nghi, hương nến…

Đàn bàn tiến đặt bộ tượng Tam thế Phật ở tầng cao nhất, phía dưới bài trí hoa nghi, lễ phẩm… Hai bên đường "chạy đàn", bày những mâm lễ với các đồ chay như: bỏng ngô, khoai luộc, bánh đa, hoa quả, cháo, gạo… để ban phát cho chúng sinh chầu đàn ăn mày cửa Phật.

Nghi lễ được các pháp sư Phật, nhị Bồ Tát và Kim đồng, Ngọc nữ… dàn nhạc lễ thực hiện uy nghi, chuẩn mực gồm các nghi thức: Nhiễu đàn, đọc khóa cúng, bắt quyết, múa long hồ, sái tịnh chân ngôn, khai hoa kết ấn, dâng lục cúng, thỉnh mời cô hồn, tuyên sớ cầu an, nguyện cho thế giới hòa bình, nhân khang vật thịnh, thiên hạ thái bình, mùa màng bội thu.

Lễ đàn Mông Sơn kết thúc bằng việc những người tham dự chen nhau vào cướp đồ lễ để lấy may.

Rất nhiều sản vật đồ chay được dâng lên Phật, Thánh tại Lễ Đàn Mông Sơn thí thực.

Trước đó, buổi sáng cùng ngày, tại chùa Côn Sơn trang trọng diễn ra Lễ giỗ Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả. Đây là nghi thức quan trọng tại lễ hội mùa xuân hằng năm nhằm tưởng nhớ Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả - người có công lao to lớn trong phát triển thiền phái Trúc Lâm, tôn tạo cảnh quan Côn Sơn và để lại những di sản quý giá cho hậu thế.

Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh tháng Giêng, năm Giáp Dần, niên hiệu Nguyên Phong thứ 4 (1254) đời vua Trần Thái Tông, nguyên quán tại hương Vạn Tư (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Huyền Quang là một trong những trí thức tài năng, nổi tiếng thơ văn, từng làm quan tại Viện Hàn lâm nhà Trần. Ông từ bỏ chốn quan trường, quyết chí tu hành, học đạo và biên soạn kinh sách. Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, ngài viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi.

Quốc Vinh

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 13/02/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT