Tin tức - Sự kiện

“Hành động vì thiên nhiên” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới

Cập nhật: 05/06/2020 09:58:14
Số lần đọc: 812
(TITC) - Ngày Môi trường thế giới diễn ra vào ngày 5/6 hàng năm. Vào dịp này hàng năm, Liên Hợp quốc (LHQ) phát động các chương trình, chiến dịch nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường trên toàn thế giới. Năm 2020, chủ đề Ngày Môi trường thế giới  được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) lựa chọn là “Hành động vì thiên nhiên” (Time for Nature).

Theo UNEP, năm nay là năm quan trọng đối với các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học với việc tăng cường đồng loạt các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước. Đây là thời điểm mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất.

Nhằm tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả trong Tháng hành động vì môi trường; căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế tại thời điểm tổ chức, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp tổ chức, tập trung vào các hoạt động như sau:

Thứ nhất, tổ chức tuyên truyền (sáng tạo, đổi mới cách thức thực hiện, hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin) về chủ đề, thông điệp hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2020 theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng.

Thứ hai, khuyến khích treo băng rôn, pano, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp.

Thứ ba, căn cứ vào tình hình thực tế, tổ chức: các hội thảo, hội nghị, tọa đàm (khuyến khích trực tuyến) về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải rắn, chất thải nhựa, ứng phó với biến đổi khí hậu; các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng như Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải, từ chối sử dụng túi nilon khó phân huỷ, đồ nhựa dùng một lần.

Thứ tư, đầu tư kinh phí, đẩy mạnh công tác xã hội hóa về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: xây dựng nội dung quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo tồn nguồn gen; kiểm soát nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép; quản lý sinh vật ngoại lai; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Thứ năm, tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng.

Thứ sáu, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc: không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải, chống rác thải nhựa trên cạn và đại dương.

Thứ bảy, các cơ quan truyền thông, báo chí, các đài phát thanh, truyền hình tăng thời lượng đưa tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động tổ chức Tháng hành động về môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2020.

Thứ tám, phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thế Phi

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT