Hành trang lữ khách

Hấp dẫn các món ăn từ rau chơr của người M’nông

Cập nhật: 05/08/2020 15:00:33
Số lần đọc: 790
Người M’nông sinh sống gắn bó với núi rừng. Vì vậy, họ xem những loại cây trái trong tự nhiên là sản vật và có thể chế biến thành món ăn hoặc vị thuốc quý. Cây chơr (theo tiếng gọi của người M'nông) là một loại cây rừng quen thuộc của người dân nơi đây, vừa là món ăn đặc sản nhưng cũng là vị thuốc quý của đồng bào.

Cây chơr hay còn gọi là cây móp gai, rái gai, mớp gai, càng tôm. Cây thường mọc dọc theo bờ ao, ven suối, trong môi trường bán ngập nước. Thân cây ngắn, phình to, mọc lấp lửng trên mặt đất (thường gọi là củ chơr). Rễ từ thân ăn sâu xuống đất. Hoa của cây móp gai vươn cao lên trên lá, cuống hoa tròn, phát hoa là một khối dạng hình vùi trống mang đầy hoa chung quanh… Lá có cuống dạng bẹ rời, trên mép và lưng cuống có nhiều gai nhỏ, khi cuống còn non gai mềm, khi cuống lá già gai sắc nhọn.

Để có món ăn ngon chế biến từ rau móp gai, đồng bào thường chọn hái từ đọt non. Khi đó lá và bẹ còn non, chưa có gai, ăn giòn sựt. Đọt cây thường được chế biến các món ăn như xào, luộc, muối dưa chua hoặc nấu canh chua. Khi cây chơr có nhiều đọt non, đồng bào dân tộc sẽ thu hái đem về phơi khô, để trên gác bếp bảo quản dùng cho cả năm. Những lúc mưa nhiều, không đi hái rau rừng được, họ lại đem đọt và lá non khô ngâm nước cho mềm, nở đều rồi nấu canh hoặc xào ăn. Canh rau chơr được nấu cùng các loại thịt ăn thơm ngon. Người M’nông thường dùng rau chơr xào với các loại cá khô, đặc biệt là cá cơm. Món ăn này có hương vị độc đáo, hao cơm ngày mưa gió.

Ngày nay, nhiều gia đình M’nông thích dùng đọt và lá non của cây chơr làm món gỏi. Rau chơr sau khi hái về được chần qua nước sôi, rồi ngâm với nước khoảng 1 tiếng để nhả bớt chất nhớt và đắng trong rau. Sau đó để ráo và cắt thành từng đoạn vừa ăn. Rau thường được trộn với gà vườn đã luộc chín. Gà được xé nhỏ rồi trộn với rau chơr đã sơ chế, cho thêm chút gia vị muối, bột ngọt, ớt và rau thơm. Khi ăn, món gỏi có vị hơi chua chua và nhân nhẫn đắng của rau chơr, vị cay the thé của ớt, mùi thơm của rau, vị ngọt của thịt gà hòa quyện lại với nhau thành một hương vị thơm nồng, hấp dẫn. Theo kinh nghiệm của đồng bào nơi đây, phần thân củ chơr còn dùng để nấu nước uống giải nhiệt, chữa lở ngứa ngoài da rất hiệu quả./.

Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục