Hành trang lữ khách

Hè về trải nghiệm lên rừng, xuống biển

Cập nhật: 23/05/2023 16:34:25
Số lần đọc: 614
Nơi tôi chọn cho chuyến du lịch này là Bình Châu - Hồ Tràm. Bình Châu là làng chài hình thành sau ngày thống nhất đất nước bởi ngư dân khắp nơi tìm thấy “miền đất hứa” và đến cắm dùi trên những gò đụn cát hoang sơ bị kẹp giữa một bên biển và một bên rừng nguyên sinh hợp thành.


Thiên nhiên đã ban phát cho Bình Châu một “đồng nước sôi” (tên gọi của dân địa phương), tên du lịch là Suối nước khoáng Bình Châu. Trước đây, Suối nước khoáng Bình Châu do một công ty quốc doanh ở địa phương quản lý nhưng chưa đầu tư, khai thác hết tiềm năng và lợi thế của thiên nhiên. Sau khi chuyển sang một doanh nghiệp tư nhân giàu nguồn lực, giờ đây, tất cả đã được làm mới và tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch như công viên rừng, khu tắm khoáng, hồ ngâm hydro, cánh đồng hoa, hồ câu cá sấu, khu cắm trại, hồ hồng hạc, nhà trên cây,... Qua phân tích, suối nước khoáng nóng Bình Châu có chất lượng không thua các suối nước khoáng nóng nổi tiếng trên thế giới, có thể hỗ trợ điều trị được một số bệnh như cổ trướng, nhiễm độc mãn tính, các bệnh ngoài da, xương khớp, thần kinh, tim mạch,... Nắm được các tính năng nước khoáng như vậy nên nơi đây đã đầu tư cho khai thác du lịch chăm sóc sức khỏe - nghỉ dưỡng theo phong cách sống thiền Nhật Bản (có vườn tắm bùn, bồn gỗ, bồn đất sét,... để “tắm tiên”, massage, xông hơi khoáng,... lịch sự và an toàn. Khách vào đây có thể ngồi xe ngựa hay tự cưỡi ngựa dạo rừng (theo kiểu “tắm rừng” - trekking), cũng có thể chạy xe đạp trong rừng cổ thụ với không khí luôn luôn mát lạnh.

Trên một bãi tắm công cộng, khách có thể thuê thúng lắc ra bờ để trải nghiệm

Bình Châu bây giờ đã mang diện mạo một đô thị miền biển. Một xã mà có đến 20 khách sạn, trên 20 ngôi chùa; rất nhiều khu biệt thự nghỉ dưỡng, lưu trú tại nhà dân địa phương (homestay),... Mạng lưới du lịch cộng đồng ngày càng mở rộng, lan tỏa đến tận ngõ ngách từng xóm chài. Vô số quán ăn gia đình cùng thi thố chế biến, sáng tạo các món ăn hải sản độc, lạ để thu hút khách hàng.

Du lịch Bình Châu đã kết nối với du lịch Hồ Tràm thành một hệ du lịch sinh thái rừng - biển liên hoàn với nhiều loại hình thời thượng. Hai bên các tuyến đường du lịch có vô số dịch vụ “ăn theo”; panô quảng cáo thì đầy màu sắc và hình ảnh chào mời đến tận Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và bến cá Bình Châu. Từng khu biệt thự liền kề mọc lên san sát xóa hầu hết gò đụn cát hoang sơ ngày nào. Mùa hè nóng nực, ngồi xe máy, tôi vẫn thấy từng cụm lều bạt của du khách cắm trại ẩn dưới bóng cây rừng ở sát mé biển. Du khách thường ghé chợ cá Bình Châu chọn mua hải sản tươi sống từ các ghe cá đưa lên để đem vào khu cắm trại chế biến. Những ngày ở Bình Châu, tôi chưa nghe ai nói đến chuyện người bán hàng “chặt chém”.

Trên cầu ngắm biển Hồ Tràm

Bãi tắm Hồ Cốc nước trong veo nhưng có nhiều đá tảng gây nguy hiểm cho người tắm, nay đã được cẩu lên rừng để “thổi hồn” cho đá làm đẹp các nhà hàng, dinh thự,... Liền theo Hồ Cốc là Hồ Tràm. Buổi chiều, tôi băng qua khu công viên nhạc nước và khu chợ đêm giáp mé biển Hồ Tràm, gặp cây cầu ngắm biển từ bờ dài ra khơi. Từng tốp “nam thanh, nữ tú” kéo nhau lên cầu. Cứ cách một quãng ngắn có một trạm cho khách dừng lại ngắm biển, chụp ảnh. Ở mỗi nóc trạm cắm một lá cờ của một nước nào đó trên thế giới. Điểm cuối cầu là bục ngắm biển khá cao và rộng, bước lên cầu thang, khách tha hồ chiêm ngưỡng biển Hồ Tràm và chụp ảnh lưu niệm. Từ bục cao này, lia mắt qua biển xanh biêng biếc với từng nhóm người tắm biển ven bờ; thấy cả dải rừng xanh bạt ngàn mà trong đó, thiên nhiên cất giấu một hồ nước mênh mông, lung linh ngàn vạn bóng tràm chỉ được đánh thức sau khi đưa hồ vào làm sản phẩm du lịch. Tôi có cảm giác như mọi tài nguyên rừng và biển ở đây đều được dùng cho các loại hình du lịch. Ngoài những bãi tắm có bán vé thì có những bãi tắm công cộng hoàn toàn miễn phí.

Buổi chiều, sau khi tắm biển dưới chân đê của Trung tâm neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, tôi lên bến cá xem các ghe tàu cá vươn khơi về bến với đủ loại hải sản được đưa lên các vựa cá phân loại, bán sỉ và lẻ tại chỗ hoặc đưa về chợ cá Bình Châu, nhộn nhịp cảnh trên bến, dưới thuyền,...

Qua phát triển du lịch cộng đồng, làng chài và những xóm làm nghề rừng, nghề rẫy truyền thống không mấy khấm khá giờ đây đang bừng lên khởi sắc./.

Quang Hảo

Nguồn: Báo Long An - baolongan.vn - Đăng ngày 22/05/2023

Cùng chuyên mục