Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội: Cần chủ động để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch
Buổi học thực tiễn pha chế đồ uống của sinh viên Cao đẳng du lịch Hà Nội. Ảnh Thế Công
Theo dự báo của Tổng cục Du lịch, đến năm 2020, ngành du lịch Việt Nam cần trên 2 triệu lao động trực tiếp làm việc cho các cơ sở dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu. Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt được mục tiêu đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành là cấp thiết. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội để làm rõ hơn về việc đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch hiện nay.
+ Thưa ông, hiện nay, ngành du lịch đang phát triển rất nhanh và mạnh, nhưng nhiều chuyên gia chỉ ra vấn đề về nguồn nhân lực còn thiếu và chưa xứng tầm với tiềm năng của ngành. Ông có ý kiến gì về nhận định đó?
- Theo thống kê sơ bộ của ngành Du lịch Việt Nam, nước ta hiện có khoảng 1,3 triệu lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch (chiếm 2,5% tổng số lao động trong cả nước), trong đó có khoảng 20% chỉ được huấn luyện tại chỗ, chưa qua đào tạo chính quy với chất lượng mang tính chuyên nghiệp. Do vậy, cùng với tiến độ tăng trưởng du lịch như hiện nay, đòi hỏi mỗi năm cần phải đào tạo thêm khoảng 25.000 lao động mới, kết hợp với công tác không ngừng đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có với số lượng tương tự.
Như vậy, cùng với chủ trương phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì vấn đề đáp ứng nguồn nhân lực du lịch để có thể đảm bảo về chất lượng và số lượng là chuyện cấp thiết và không hề đơn giản, đòi hỏi phải chỉnh sửa ngay những vấn đề bất cập trong quy mô đào tạo, sự liên kết giữa cung và cầu của nhà trường cũng như các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là những chính sách và hành lang pháp lý tạo điều kiện để phát triển, nâng cao nguồn nhân lực du lịch cả về chất và lượng.
+ Với yêu cầu của ngành, là cơ sở đào tạo nhân lực du lịch lớn của Bộ VHTTDL, nhà trường đã có những chính sách đào tạo như thế nào để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, thưa ông?
- Trước thực tế hội nhập mạnh mẽ và phát triển của ngành du lịch đòi hỏi các cơ sở đào tạo/dạy nghề sẽ phải rà soát chương trình đào tạo và văn bằng để đảm bảo phù hợp. Hoặc liên kết với chương trình du lịch chung ASEAN nhằm cấp ra những văn bằng thích ứng/tương đương cho sinh viên hoặc người thực tập.
Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập Nhà trường đã triển khai ý kiến thăm dò người học, tiến hành thăm dò khảo sát ý kiến của học sinh, sinh viên năm cuối. Thực hiện khảo sát đối với 278 cán bộ, giảng viên, giáo viên và người lao động của Nhà trường. Bên cạnh đó tiến hành khảo sát thăm dò ý kiến của doanh nghiệp đối với học sinh, sinh viên năm cuối, sinh viên đã tốt nghiệp theo dự án của GIZ điển hình như đã khảo sát đối với 12 doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khách sạn trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện hoạt động tự kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề theo quy định của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp qua đó góp phần hoàn thiện về quy trình thanh tra kiểm tra.
Công tác thi giáo viên dạy giỏi các cấp tiếp tục được Nhà Trường quan tâm. Công tác hội giảng được thực hiện nghiêm túc và đạt được kết quả tốt, nhiều bài giảng được đánh giá chất lượng cao. Nhà trường cũng tích cực tham gia các Hội thi nhằm tạo cơ hội cọ xát cho sinh viên, tăng cường giao lưu, hợp tác giữa sinh viên trong nhà trường với các cơ sở đào tạo khác.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định, việc đào tạo của nhà trường cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu nguồn nhân lực.
Trên thực tế, các doanh nghiệp du lịch họ cũng tự chủ động nguồn nhân lực từ các ngành khác để đào tạo lại trong ngắn hạn và sử dụng. Chúng ta phải chấp nhận như vậy dù chất lượng sẽ không được như đào tạo chính trong nhà trường nhưng có thể giải quyết được bài toán trước mắt.
+ Vậy theo ông, để giải bài toán về nguồn nhân lực, cần có những chính sách gì?
- Hội nghị "Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam năm 2019" có sự tham gia của nhiều chuyên gia đã chỉ ra những giải pháp đồng bộ để đảm bảo nguồn nhân lực.
Về chương trình, nội dung, hình thức đào tạo: Phải điều chỉnh theo hướng mở, dễ dàng chuyển đổi, liên thông; bao gồm các học phần cốt lõi và các học phần tự chọn; Các học phần cốt lõi nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng của ngành đào tạo; Các học phần tự chọn theo hướng chuyên sâu về các lĩnh vực du lịch theo vùng miền, khu vực địa lý, loại hình du lịch...; Rút ngắn thời gian đào tạo phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Tăng thời gian đào tạo thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; Cơ sở đào tạo tự chủ lựa chọn doanh nghiệp đối tác; chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng và năng lực tham gia đào tạo của doanh nghiệp đối tác trong quá trình phối hợp đào tạo và tổ chức cho sinh viên thực hành, thực tập.
Về cơ chế, chính sách ưu tiên đào tạo nhân lực du lịch: Khuyến khích thực hiện hình thức đào tạo văn bằng thứ hai ngành du lịch; khuyến khích các cơ sở đào tạo linh hoạt mở ngành đào tạo nhân lực du lịch theo nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế; Các cơ sở đào tạo liên kết đào tạo với doanh nghiệp được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng mở rộng quy mô đối với các ngành đào tạo về du lịch; mở rộng chỉ tiêu đào tạo văn bằng hai trình độ đại học của các ngành này.
Trên cơ sở tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, phân tích mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành du lịch, các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với thị trường lao động ngành du lịch.
Khuyến khích sinh viên đã tốt nghiệp các ngành khác mong muốn và có nhu cầu làm về du lịch được chuyển sang học văn bằng thứ hai các ngành du lịch tại các cơ sở đào tạo du lịch.
Chỉ tiêu và điều kiện tiếp nhận do thủ trưởng các cơ sở đào tạo đại học quy định theo hướng phù hợp với thị trường lao động và sự tự nguyện của người học.
Khuyến khích chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý…(gọi chung là chuyên gia) có kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp của doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch, đặc biệt là giảng dạy, hướng dẫn các nội dung liên quan đến các kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Các chuyên gia này là người tốt nghiệp thạc sỹ trở lên hoặc tốt nghiệp đại học có từ 3 năm kinh nghiệm trở lên đúng ngành tham gia đào tạo. Trên cơ sở thống nhất với doanh nghiệp đối tác về tỷ lệ thời gian tham gia đào tạo của các chuyên gia, cơ sở đào tạo được tính các chuyên gia là giảng viên cơ hữu phù hợp với tỷ lệ thời gian tham gia đào tạo để xác định chỉ tiêu tuyển sinh các Ngành Du lịch.
Có chính sách thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia quốc tế về du lịch tham gia công tác đào tạo ở các cơ sở đào tạo đại học. Trên cơ sở hợp đồng lao động giữa hai bên, các chuyên gia này được tính là giảng viên cơ hữu khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Về hợp tác giữa cơ sở đào tạo đại học với doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp. Các cơ sở có đào tạo ngành du lịch phải gắn kết với hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch để dự báo nhu cầu lao động, xây dựng chuẩn đầu ra và đào tạo sinh viên có kỹ năng đáp ứng yêu cầu ngành nghề.
Tăng cường tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng, tăng cơ hội tìm việc làm cho sinh viên ngành du lịch đã tốt nghiệp; Thống kê tỉ lệ có việc làm của sinh viên sau 12 tháng tốt nghiệp các ngành du lịch và công khai trên trang thông tin điện tử của các cơ sở đào tạo; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch; khuyến khích các cơ sở đào tạo liên kết với các trường đại học của các nước phát triển để đào tạo các ngành du lịch.
+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!