Hình ảnh du lịch Đồng Tháp ''Thuần khiết như hồn sen'' có bước phát triển khởi sắc
Sản phẩm du lịch của Đồng Tháp ngày càng chuyên nghiệp hơn
Các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tạo sự chuyển biến tích cực từ lao động sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ du lịch, khôi phục, phát huy giá trị làng nghề thủ công, chế biến nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực, mua sắm, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất phục vụ phát triển theo tiêu chuẩn, sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ. Từ đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, phát triển kinh tế, bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, giữ gìn cảnh quan môi trường sinh thái, giúp người dân có thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm để kết nối với các cơ sở bán hàng đặc sản, quà lưu niệm, quà tặng của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương...
Tuy nhiên, công tác phát triển du lịch của tỉnh còn gặp một số khó khăn do tỉnh chưa phải là điểm đến tham quan du lịch mà là điểm dừng, khách đến chưa thường xuyên, chủ yếu trong ngày, tập trung dịp lễ, Tết hay các hội nghị, hội thảo, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch. Vì vậy, dù có chính sách hỗ trợ nhưng nhiều doanh nghiệp, hộ dân còn e ngại, thăm dò thị trường nên chưa mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất phát triển các loại hình dịch vụ du lịch; một số cơ sở, hộ dân trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, đầu tư cơ sở vật chất, tiện nghi phục vụ khách sơ sài, thiếu tính chuyên nghiệp...
Sau thời gian quyết tâm thực hiện Nghị quyết, hoạt động phát triển du lịch đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, có hơn 60 điểm đang hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm khá hiệu quả (8 Homestay, 2 Farmstay, 53 điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm làng nghề), còn hơn 40 điểm đang đầu tư; có 96 cơ sở lưu trú du lịch (52 cơ sở được xếp hạng) với 1.859 phòng (3 khách sạn 3 sao, 5 khách sạn 2 sao, 44 khách sạn 1 sao). Các cơ sở được đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỉnh chi chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cho 44 cơ sở du lịch cộng đồng, 1 khách sạn 3 sao, với kinh phí gần 18 tỷ đồng.
Những kết quả đạt được như trên là do định hướng đúng đắn, chính sách phù hợp nên hoạt động du lịch của tỉnh đã lan tỏa mạnh mẽ trong tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; du lịch Đồng Tháp có bước phát triển khởi sắc, tiềm năng, thế mạnh được khai thác; nhiều sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác đem lại hiệu quả thiết thực; hình ảnh du lịch Đồng Tháp “Thuần khiết như hồn sen” ngày càng được khẳng định.
Võ Văn Đề