Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế chuẩn bị nguồn nhân lực, đảm bảo an toàn để sẵn sàng đón khách

Cập nhật: 27/09/2021 07:42:30
Số lần đọc: 1071
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để phục hồi, phát triển.


Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch - dịch vụ trên thế giới, ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Hữu Thùy Giang – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, để phục hồi, vực dậy ngành du lịch, hiện địa phương này đã và đang đẩy mạnh nhiều giải pháp.

Khẳng định "Huế - điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện"

Theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, một trong những vấn đề luôn được ngành du lịch tỉnh quan tâm đó chính là đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong hoạt động du lịch. Đến nay, địa phương này đã triển khai Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch đối với các đơn vị kinh doanh du lịch - dịch vụ. Tiếp tục cập nhật và triển khai hệ thống Bluemap (bản đồ các điểm du lịch an toàn), bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trong bối cảnh mới nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch.

Du khách tham quan Đại Nội Huế.

Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tiến hành xây dựng cơ chế đón khách đến từ các địa phương không có dịch; khách du lịch đến từ các địa phương có dịch nhưng không nằm trong vùng bị cách ly.

Đẩy mạnh việc triển khai, phần mềm dùng chung, liên thông dữ liệu để nâng cao nâng lực quản lý ngành và phục vụ công tác phòng chống dịch. Trước mắt, kích hoạt các cơ sở lưu trú có thu phí, tổ chức tốt các chuyến bay charter đưa công dân về cách ly có thu phí tại các cơ sở lưu trú theo hình thức tự nguyện, đảm bảo an toàn trong quá trình cách ly.

Trong giải pháp truyền thông, quảng bá du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng xác định các tỉnh, thành đã an toàn sau dịch để kết nối, quảng bá để tiếp tục chiến lược truyền thông "Huế - điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện". Kích thích du lịch nội tỉnh, tại chỗ để các nhóm cộng đồng, các đơn vị, tổ chức tham quan, các điểm du lịch của tỉnh, các di tích, di sản trong tỉnh, các doanh nghiệp trong tỉnh tiêu thụ, sử dụng dịch vụ.

Tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành các chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch nội địa, nhất là khách nội tỉnh. Đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và cơ sở dịch vụ du lịch tại các địa phương lân cận, các tỉnh thành hết dịch để tổ chức các gói sản phẩm hấp dẫn hoặc các chương trình kích cầu.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh các hình thức quảng bá, tập trung công tác truyền thông tại chỗ thông qua các trang mạng xã hội. Triển khai gói quảng bá truyền hình và kỹ thuật số trên kênh CNN đối với các thị trường ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tối ưu hóa quảng cáo đối với các thị trường truyền thống để chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách quốc tế.

Đề xuất chuỗi, gói sản phẩm du lịch an toàn trên địa bàn

Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin thêm, về cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, theo Nghị quyết 21, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập danh sách lao động trực tiếp trong ngành có nguy cơ cao và đã đề nghị quan tâm, tổ chức tiêm phòng vaccine COVID-19. Tính đến nay, đã có hơn 7.000 người lao động trong ngành du lịch trên địa bàn được tiêm chủng. Ngoài ra các lực lượng khác như lái xe du lịch, taxi trên địa bàn cũng đã được tiêm chủng.

"Đây là một trong những điểm sáng, vừa hạn chế nguy cơ lây nhiễm, vừa thông điệp Huế thực sự là điểm đến an toàn vì người lao động trong ngành đã được tiêm chủng. Sắp đến, ngành sẽ tiếp tục hỗ trợ và hoàn thiện đồng bộ việc tiêm vaccine COVID-19 cho cán bộ, nhân viên và người lao động trong ngành du lịch", ông Trần Hữu Thùy Giang – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Du khách tham quan các điểm du lịch trên địa bàn TP Huế bằng xích lô.

Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai việc giảm tiền, giá đối với dịch vụ điện, nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Triển khai chính sách hỗ trợ đối với lao động thất nghiệp, nghỉ việc tạm thời đối với nguồn nhân lực trong ngành du lịch… Đặc biệt Sở Du lịch đang nhanh chóng hỗ trợ hướng dẫn viên trên địa bàn hoàn thành các thủ tục để nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ. Tiếp tục kiến nghị chính phủ các chính sách hỗ trợ như giảm thuế thuê đất, mặt nước, thuế VAT… Một số chính sách khác như giảm nợ, giảm lãi vay ngân hàng.

Hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng trình độ, nghiệp vụ, kỹ tập huấn phòng, chống dịch bệnh cho nhân viên các doanh nghiệp để đảm bảo về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Đối với giải pháp kích cầu du lịch, hiện tại, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động phối hợp, tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh dịch vụ tham gia chương trình kích cầu du lịch với hình thức đa dạng (ưu đãi, khuyến mãi, tặng thêm sản phẩm dịch vụ gia tăng, giảm giá trực tiếp,...) để hình thành gói kích cầu mang tính đồng bộ, thống nhất ở địa phương.

Bên cạnh đó, đề xuất chuỗi, gói sản phẩm du lịch an toàn trên địa bàn. Trọng tâm trước mắt hướng đến các dịch vụ như: nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe; du lịch kết hợp khám chữa bệnh; thưởng thức ẩm thực; các khu du lịch; điểm tham quan, vui chơi gắn với thiên nhiên. Các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá. Khuyến khích xây dựng các tour du lịch khám phá địa phương. Xây dựng các điểm đến mới lạ, hấp dẫn, đặc biệt cho những người trẻ và các gia đình có con nhỏ, cũng như với các học sinh và sinh viên. Hình thành khối liên minh các doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu nội tỉnh.

Đối với các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước, ngành du lịch đã trình HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua chính sách giảm 50% phí tham quan các điểm di tích cho tất cả mọi đối tượng; thời gian kéo dài đến hết năm 2021 và phương án cho 2022.

Nghiên cứu cơ chế để sớm ban hành chính sách hoa hồng cho các đơn vị lữ hành đưa khách đến tham quan các điểm di tích trên địa bàn tỉnh; Công bố chính sách kích cầu hỗ trợ loại hình du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo), Teambuilding và các đoàn Charter.

Tùy tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước và khu vực miền Trung, địa phương này sẽ tiếp tục triển khai tổ chức một số sự kiện văn hóa, du lịch với quy mô phù hợp nhằm thu hút du khách trong thời gian tới./.

Về giải pháp dài hạn để phục hồi, phát triển, ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ tập trung vào 3 nội dung: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 cho toàn bộ cán bộ công nhân viên, người lao động trong ngành du lịch - dịch vụ để đảm bảo thực hiện cơ chế "hộ chiếu vaccine" trong thời gian tới.
 
Thứ hai, có phương án chuẩn bị đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực trong ngành du lịch để sẵn sàng đáp ứng phục vụ khách trong nước và quốc tế.
 
Ngoài ra, đa dạng sản phẩm du lịch, trong đó ưu tiên cho các giải pháp sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch nhằm tăng cường chuỗi giá trị dịch vụ và nâng cao hình ảnh điểm đến./.

Lê Chung

 

Nguồn: Báo Tổ quốc

Cùng chuyên mục