Hoạt động của ngành

Hòa Bình: Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch

Cập nhật: 28/09/2022 13:07:02
Số lần đọc: 684
Những ngôi nhà trệt truyền thống náu mình giữa những tán cây cổ thụ. Bên trong ngôi nhà là không gian sinh sống vẫn còn nhiều thứ vẹn nguyên của đồng bào Dao từ xa xưa. Sự mộc mạc, hoang sơ là những yếu tố để xóm Sưng thu hút du khách trong và ngoài nước.  


Bà con người Mường xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) bảo tồn ngôi nhà sàn và giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Xóm Sưng thuộc xã Cao Sơn (Đà Bắc), nơi sinh sống của hơn 70 hộ đồng bào Dao. Vị trí nằm biệt lập với các khu dân cư khác, được núi Biều bao bọc nên xóm Sưng có nhiều điểm độc đáo. Xuất phát là xóm thuần nông nhưng đến nay, xóm Sưng đang từng ngày chuyển mình khi trở thành điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) ngày càng hút khách. Còn nhớ lần đầu đặt chân đến xóm Sưng vào cuối năm 2018. Khi đó, bản du lịch còn khá sơ khai, chưa có nhiều dịch vụ để phục vụ du khách. Lần trở lại này, xóm Sưng đã có nhiều đổi khác, con đường nội xóm được bê tông hóa, các homestay được bà con đầu tư, xây dựng. Điều đặc biệt nhất là bà con vẫn giữ được nếp nhà truyền thống, duy trì nghề dệt thổ cẩm và khôi phục lại các nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Ông Đặng Văn Xuân, chủ một homestay ở xóm Sưng chia sẻ: Trên 70% khách đến thăm quan, lưu trú ở xóm Sưng là người nước ngoài. Họ thích thú khi được trải nghiệm các nét văn hóa truyền thống của người Dao. Do đó, thời gian qua, để đa dạng thêm dịch vụ, xóm đã thành lập đội văn nghệ, đội dệt thổ cẩm, đội hướng dẫn viên đưa đón khách. Gần đây, đến với xóm Sưng, du khách còn được tắm nước thảo dược từ bài thuốc truyền thống của người Dao, thưởng thức các món ăn truyền thống. Sau những khó khăn do dịch Covid-19, hiện du lịch từng bước được khôi phục. Chúng tôi biết lợi thế của xóm là cảnh quan, khí hậu và những giá trị truyền thống còn lưu giữ được nên sẽ cố gắng bảo tồn, phát huy hơn nữa.

Lũy Ải cũng là một điểm DLCĐ trên địa bàn tỉnh. Đây là bản làng sinh sống của đồng bào Mường ở vùng Mường Bi (xã Phong Phú - Tân Lạc). Cũng như bản Dao xóm Sưng, sản phẩm du lịch của xóm Lũy Ải chính là những nét hoang sơ, mộc mạc của bản Mường cổ mà người dân nơi đây còn lưu giữ được. Đó là những nếp nhà sàn, phong tục tập quán, nét đẹp trong đời sống sinh hoạt và văn hóa. Gia đình ông Đinh Công Lon là một trong những hộ dân đầu tiên làm du lịch ở xóm Lũy Ải. Gia đình ông đã cải tạo lại ngôi nhà sàn cũ trên 30 năm tuổi, xây dựng khu bếp, nhà vệ sinh và vườn tược để phục vụ đón khách. Ngôi nhà chỉ được tân trang cho chắc chắn hơn nên cơ bản vẫn giữ được những nét đặc trưng của nhà sàn Mường. Đó là những điều hấp dẫn du khách trải nghiệm về đời sống của người Mường ở xóm Lũy Ải. 

Có thể nói, phát triển DLCĐ đã làm thay đổi đời sống của người dân ở xóm Sưng, xóm Lũy Ải và kỳ vọng có thêm nhiều bản làng khác cũng sẽ có sự lột xác nhờ hướng đi mới này. "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch”, đó là một trong những dự án quan trọng trong đề án thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dự án thực hiện nhiều nội dung, mục tiêu nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS&MN để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển DLCĐ.

Khi được triển khai, dự án sẽ là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy phát triển DLCĐ. Đặc biệt, góp phần quan trọng trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Viết Đào

Nguồn: Báo Hòa Bình - baohoabinh.com.vn - Đăng ngày 28/9/2022

Cùng chuyên mục