Hòa Bình: Huy động nguồn lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Hồ Hòa Bình sơn thủy hữu tình được nhiều du khách xem là điểm đến lý tưởng.
Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại
Thế mạnh của tỉnh là có hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối Thủ đô Hà Nội, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ lên khu vực Tây Bắc; hệ thống đường thủy với nhiều con sông lớn, nhất là trên 150km sông Đà chảy qua. Là mảnh đất được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan kỳ vỹ, nên thơ, núi non trùng điệp, hệ thống hang động đẹp, độc đáo, có nhiều điểm văn hóa tâm linh nổi tiếng. Đặc biệt là hồ Hòa Bình mang vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, được ví như vịnh Hạ Long trên núi làm say lòng du khách gần xa. Trên địa bàn vẫn lưu giữ được nét đẹp văn hóa đặc sắc, ẩm thực đặc trưng của các dân tộc Mường, Thái, Tày, Mông, Dao, đó là những thế mạnh không dễ có.
Nhằm thúc đẩy du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, đề án, kế hoạch, chương trình hành động về phát triển du lịch, trong đó phải kể đến Chương trình hành động số 15-CTr/TU, ngày 22/9/2017 của BTV Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; các quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia; phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030...
Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Hàng năm, Ban Chỉ đạo du lịch tỉnh đã ban hành và chỉ đạo triển khai kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh để thực hiện công tác quản lý, thúc đẩy du lịch. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp tham mưu triển khai thực hiện, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Chương trình hành động số 15 của BTV Tỉnh ủy thành chương trình, kế hoạch, đề án của địa phương, đơn vị với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư phát triển du lịch. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch; đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, cũng như quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.
Nhờ tăng cường công tác tuyên truyền đã giúp các cấp, ngành, doanh nghiệp, cán bộ và Nhân dân có sự đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch. Xác định rõ đây là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng; có khả năng đóng góp quan trọng vào phát triển KT - XH của từng địa phương; tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển; đem lại hiệu quả nhiều mặt về chính trị, KT - XH, đối ngoại và QP - AN.
Để du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện cơ cấu lại thị trường khách, sản phẩm du lịch truyền thống, nguồn lực đầu tư... Nhờ vậy, đã thu hút được nhiều khách du lịch đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu và nhiều tỉnh, thành phố trong nước sử dụng các loại hình du lịch. Trong tỉnh đã phát triển thêm một số loại hình du lịch hấp dẫn, như: chơi golf, dù lượn, chèo thuyền kayak, đạp xe, du lịch kết hợp với trang trại trải nghiệm; xây dựng thêm một số điểm du lịch cộng đồng mới tại các xóm: Chiến, Bưởi Cại, Ngòi thuộc huyện Tân Lạc... Tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng kết nối một số tuyến đường từ Hà Nội lên Hòa Bình và các tuyến đường nối khu, điểm du lịch trên khu du lịch hồ Hòa Bình, khu du lịch Mai Châu và một số điểm du lịch trong tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho du khách.
Hiện, trong tỉnh có hàng chục khu du lịch sinh thái, cộng đồng được đầu tư quy mô, theo hướng phát huy lợi thế từ thiên nhiên, hấp dẫn du khách, trong đó, nhiều điểm đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng trong, ngoài nước, như bản Lác, Pom Coọng, bản Văn (Mai Châu); bản Giang Mỗ, hang núi Đầu Rồng - đền Bồng Lai (Cao Phong); suối Khoáng (Kim Bôi); đền Chúa Thác Bờ trên lòng hồ sông Đà; chùa Tiên (Lạc Thủy)...
Phát triển kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư
Để kéo du khách đến nhiều hơn với tỉnh nhất thiết phải đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông. Do vậy, UBND tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, các bến, bãi đỗ xe, điểm dừng nghỉ cho du khách trên các tuyến quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh, đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình; mở rộng và nâng cấp đường tỉnh 435 đi qua các xã Bình Thanh, Thung Nai (Cao Phong), Suối Hoa (Tân Lạc) dài gần 25 km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III - miền núi; xây dựng các bến thủy nội địa vùng hồ Hòa Bình và một số tuyến đường thủy, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối giữa các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với các tỉnh trong khu vực.
Song song với đó, hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư được đổi mới, đa dạng hình thức nên đã thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực xây dựng những sản phẩm, loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh. Tỉnh chỉ đạo ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm tính đồng bộ, chuyên nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Hòa Bình gắn với hình ảnh đặc trưng, độc đáo mang bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là bản sắc văn hóa dân tộc Mường.
Là doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng ở huyện Đà Bắc, ông Vũ Văn Tuyển, Giám đốc Công ty TNHH TTH Mai Đà chia sẻ: "Tỉnh Hòa Bình nói chung, huyện Đà Bắc nói riêng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Đặc biệt là trên vùng hồ Hòa Bình có nhiều hòn đảo lớn, nhỏ nhấp nhô, đẹp không kém gì vịnh Hạ Long. Ven hồ có làng, bản của đồng bào các dân tộc sinh sống, là điểm được khách du lịch trải nghiệm rất thích thú. Khi cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn thiện, thời gian di chuyển từ Hà Nội lên Đà Bắc được rút ngắn nhiều. Đó là cơ hội lớn của huyện và cũng là lý do để chúng tôi quyết định đầu tư. Tháng 8/2018, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Mai Đà Resort tại xã Tiền Phong đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong quá trình làm thủ tục đầu tư, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ tận tình, chu đáo từ các sở, ngành của tỉnh và UBND huyện Đà Bắc, từ đó giúp dự án triển khai cơ bản thuận lợi”.
Hiện tại, trong tỉnh có 71 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch, chiếm 12,07% tổng số dự án trên địa bàn với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 20.031 tỷ đồng. Có 434 cơ sở lưu trú được thẩm định, trong đó, được xếp hạng công nhận 6 khách sạn 3 sao, 25 khách sạn 2 sao, 8 khách sạn 1 sao, 238 nhà nghỉ, 157 nhà homestay du lịch cộng đồng với trên 4.000 phòng; 9 điểm du lịch địa phương, 1 khu du lịch cấp tỉnh; 12 đơn vị vận tải khách du lịch đường bộ; 13 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành. Hoạt động du lịch đã tạo việc làm cho trên 14.000 lao động, có trên 4.000 lao động trực tiếp.
Để tạo sức hút riêng, tỉnh đã khuyến khích các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thường xuyên đổi mới, đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện tài nguyên và định hướng phát triển của tỉnh, nhất là phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh, thể thao… Đồng thời, tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư, lập dự án phát triển du lịch, như: Dự án cáp treo và khu phức hợp vui chơi giải trí sân golf tại TP Hòa Bình; dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Hiền Lương tại Đà Bắc; khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình, khu du lịch sinh thái hồ Gươm sông Đà tại huyện Tân Lạc; khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Dụ và khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Sunset tại huyện Lương Sơn…
Bên cạnh đó, tỉnh chủ động tham gia Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; liên kết phát triển du lịch với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác. Hiệp hội du lịch Hòa Bình đã phối hợp Hiệp hội du lịch TP Hà Nội mở rộng hợp tác liên doanh, liên kết với những doanh nghiệp du lịch ở các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Tĩnh và các tỉnh Tây Bắc, từng bước mở rộng liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo Sở VH-TT&DL, qua 3 năm thực hiện Chương trình hành động của BTV Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã giúp lượng khách và tổng thu từ khách du lịch tăng trưởng bình quân khá tốt. Năm 2017, tỉnh đón 2.497.436 lượt khách thăm quan du lịch, tăng 9,8% so với năm 2016, trong đó khách quốc tế 260.730 lượt, khách nội địa 2.236.706; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 1.216 tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2016. Đến năm 2019, tỉnh đã đón 3.111.275 lượt du khách, tăng 15,4% so với năm 2018, trong đó, khách quốc tế tăng lên 406.384 lượt, khách nội địa 2.704.891 lượt; tổng thu đạt khoảng 2.075 tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm 2018. 6 tháng đầu năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch. Theo đó, tỉnh đón gần 900 nghìn lượt khách (khách quốc tế gần 130 nghìn lượt, khách nội địa 770 nghìn lượt); tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 684 tỷ đồng. Ngành du lịch phát triển đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
* Quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch
Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng ngành du lịch được đầu tư nâng cấp, góp phần thu hút nguồn vốn và các nhà đầu tư chiến lược với nhiều dự án mang tính đột phá. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch còn thiếu đồng bộ, nhất là đường giao thông kết nối đến các tuyến, điểm du lịch; bến cảng phục vụ tàu thuyền vận chuyển khách trên khu du lịch hồ Hoà Bình chưa được đầu tư xây dựng tương xứng với quy mô phát triển và quy hoạch của khu du lịch quốc gia; chưa có nhiều nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn; chưa có các khu xử lý rác thải; công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa còn gặp nhiều khó khăn...
Vì vậy, để ngành du lịch phát triển mạnh, ngoài việc thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện các dự án phát triển du lịch, thời gian tới, Sở VH-TT&DL xác định tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các điểm, khu du lịch; đặc biệt là hệ thống đường giao thông và các bến thuyền kết nối các điểm du lịch; xây dựng, nâng cấp các cảng du lịch, bến thuyền nhằm trung chuyển khách trên khu du lịch hồ Hòa Bình; xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chất lượng cao, gồm: khách sạn, nhà hàng, các cơ sở vui chơi giải trí... Ưu tiên xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp 3 - 5 sao đủ khả năng đón tiếp dòng khách có khả năng chi trả cao.
* Mong muốn có nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ du lịch
Từ sự quan tâm của các cấp, ngành và Công ty CP Du lịch cộng đồng huyện Đà Bắc, các hộ làm du lịch cộng đồng tại Đá Bia, xã Tiền Phong được tham gia các lớp tập huấn, trang bị kiến thức làm du lịch cộng đồng, kỹ năng đón khách, cách chế biến và trang trí món ăn… Từ đó, các hộ có kiến thức cơ bản để giao tiếp, giới thiệu với khách du lịch về văn hóa, con người, cảnh quan thiên thiên của địa phương.
Khu du lịch cộng đồng Đá Bia là 1 trong 3 khu du lịch của cả nước đạt giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2018. Giải thưởng này là cơ hội để Đá Bia thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Trước những yêu cầu ngày càng cao của du khách, trong khi nhân lực làm du lịch tại Đá Bia xuất thân là những nông dân còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ làm du lịch. Vì vậy, thời gian tới, tôi mong muốn Sở VH-TT&DL tăng cường phối hợp với các tổ chức, đơn vị đào tạo mở nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng làm du lịch. Kiến thức và kỹ năng cần được trang bị như: quy trình đón tiếp, phục vụ khách, kỹ năng phục vụ bàn tiệc và chăm sóc khách hàng; văn hóa giao tiếp, ứng xử, trình độ ngoại ngữ… Bên cạnh đó, ngành du lịch cần thường xuyên tổ chức các cuộc thi, kiểm tra tay nghề, năng lực giao tiếp của đội ngũ lao động. Từ đó, đánh giá được chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích người lao động tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu đón tiếp khách.