Hoạt động của ngành

Cao Bằng: Quan tâm gìn giữ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa

Cập nhật: 15/09/2020 07:43:34
Số lần đọc: 920
Là mảnh đất cội nguồn cách mạng với nhiều dân tộc sinh sống, Non nước Cao Bằng có một hệ thống di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên vô cùng đa dạng, phong phú và độc đáo. Những năm qua, Cao Bằng coi trọng, quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa với nhiều cách làm thiết thực.

Múa rồng tại Đền thờ Nùng Trí Cao ở thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa).

DI SẢN VĂN HÓA ĐA DẠNG VÀ ĐỘC ĐÁO

Cao Bằng là một trong những chiếc nôi của người tiền sử. Từ những năm đầu của thế kỷ 20, các nhà khảo cổ đã phát hiện hàng chục di tích thời đại đá cũ, đá mới đến thời đại kim khí ở Cao Bằng. Từ xa xưa, Cao Bằng được coi là bức phên dậu quan trọng che chở cho phía Bắc của Tổ quốc. Đầu thế kỷ XI, Cao Bằng trở thành trung tâm quốc gia với những người đứng đầu là cha con Nùng Tồn Phúc, Nùng Trí Cao.

Đến cuối thế kỷ XVI, nhà Mạc thất thế, lại lấy đất Cao Bằng định cư, thiết lập vương triều, có niên hiệu chính thống, điều hành chính sự, tổ chức thi cử. Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về qua Mốc 108, ở Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945). Cao Bằng cũng chính là nơi ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (ngày 22/12/1944).

Những năm gần đây, trò chơi “Lày cỏ” của đồng bào dân tộc Cao Bằng được khôi phục và đưa vào thi đấu tại các lễ hội ở địa phương

Cũng chính từ vùng đất này, rất nhiều người xuất chúng đã xuất hiện, như: Nùng Trí Cao, Bế Khắc Thiệu, Nùng Văn Vân… Còn bao nhiêu tráng sĩ khác xuất thân từ các làng, bản… cho dù đến nay sử sách ít nhắc đến nhưng hình ảnh của họ vẫn còn được lưu giữ trong tâm thức người dân, được cụ thể hóa qua việc thờ tự cúng tế, như: Chùa Đống Lân, chùa Đà Quận, Đền Kỳ Sầm, Chùa Sùng Phúc, Đền thờ Nùng Trí Cao ở thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa) và xã Sóc Hà (Hà Quảng)…

Gắn với những địa danh, tên tuổi các anh hùng là những di tích lịch sử, văn hóa giá trị không nơi nào có được. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 214 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó 91 di tích đã được xếp hạng (có 3 di tích Quốc gia đặc biệt, 23 di tích Quốc gia, 65 di tích cấp tỉnh).

Cao Bằng là xứ sở của những cọn nước, các suối nguồn trong vắt và những cô gái áo chàm. Không chỉ nổi tiếng gạo trắng, nước trong, đây còn là một vùng văn hoá đa dạng, phong phú với sự giao hoà văn hoá của nhiều dân tộc anh em. Nơi đây có những di sản văn hóa độc đáo với những làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc. Đặc sắc nhất trong số những loại hình dân ca kể trên là hát Then - đàn Tính của dân tộc Tày. Ngoài ra, Cao Bằng còn có hàng trăm lễ hội lớn nhỏ, các làng nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc trưng.

NỖ LỰC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA

Trưởng Phòng Quản lý văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Triệu Thị Thu Hằng cho biết: Những năm qua, tỉnh rất coi trọng, quan tâm gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển KT - XH, với nhiều cách làm phong phú, thiết thực, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị văn hóa dân tộc; định kỳ kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số; xác định, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với đó tổ chức các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tại chỗ, tổ chức hội thảo khoa học góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập. Mở các lớp tập huấn nghiệp vụ gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống cho cán bộ huyện, xã, phường, cán bộ làm công tác sưu tầm nghiên cứu, quản lý văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; mời các nghệ nhân truyền dạy dân ca, dân vũ, các nhạc cụ dân gian cho con em các dân tộc…

Thổi khèn và múa khèn của dân tộc Mông – một nét văn hóa dân tộc đang được quan tâm, gìn giữ.

toàn bộ hệ thống di tích đã xếp hạng trên địa bàn toàn tỉnh được xây dựng bia di tích để bảo vệ và phát huy giá trị. Đã sưu tầm được 15.984 đơn vị hiện vật; khảo sát, kiểm kê, dập, dịch các loại văn bia cổ, các hoành phi câu đối ở một số đền, chùa, miếu được khoảng 40 bia đá cổ, 6 bia ma nhai. Đến nay, toàn tỉnh có 3 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: Nghi lễ Then Tày tỉnh Cao Bằng; Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành (Quảng Hòa); Nghề rèn truyền thống của người Nùng An xã Phúc Sen (Quảng Hòa); 1 Bảo vật quốc gia “Đôi chuông chùa Viên Minh và Đền Quan Triều”, xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo (Thành phố).

Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã khôi phục lại 4 lễ hội dân gian truyền thống: Lễ hội Háng Tán thị trấn Hùng Quốc, Lễ hội Lồng tồng xã Cao Chương, Lễ hội Co Sầu, thị trấn Trùng Khánh (Trùng Khánh); Lễ hội Bó Puông, xã Lê Lợi (Thạch An). Xây dựng kịch bản và nâng cao 3 lễ hội: Lễ hội chùa Sùng Phúc, thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang); Lễ hội Đền Kỳ Sầm, xã Vĩnh Quang (Thành phố); Lễ hội Thanh Minh, xã Phúc Sen (Quảng Hòa). Phối hợp với Viện Âm nhạc xây dựng hoàn thành bộ hồ sơ “Then Tày, Nùng, Thái” Việt Nam trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghề thêu thổ cẩm của dân tộc Lô Lô vẫn được gìn giữ và phát huy.

Đồng thời, tỉnh thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học sưu tầm, nghiên cứu các giá trị văn hóa, văn học - nghệ thuật, dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc; khôi phục, gìn giữ, bảo tồn các làng nghề, làng văn hóa độc đáo, như: Làng hương Phja Thắp, Làng du lịch cộng đồng Pác Rằng (Quảng Hòa), Làng đá Khuổi Ky, Đàm Thủy (Trùng Khánh), Làng dân tộc Lô Lô Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc)…

Với những nỗ lực trong công tác gìn giữ, bảo tồn, bước đầu tạo điều kiện cho di sản văn hóa dân tộc lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là lớp người trẻ đã có nhận thức, ý thức hơn về bản sắc văn hóa và sự gắn kết giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, từ đó mọi người thêm hiểu, yêu quý di sản của mình và có ý thức bảo vệ tốt hơn.                

 
Minh Hòa
Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục