Giữ hồn chợ nổi Cái Răng
Chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ là điểm đến nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, nhiều vấn đề tồn tại trong khai thác chợ nổi khiến điểm đến bị đánh giá thiếu sức hút và khó níu chân du khách quay lại. Trong khi đó, bảo tồn hiện trạng, giữ chợ, giữ chân thương hồ đã là chuyện không dễ. Làm sao để vừa giữ chợ, vừa phát huy giá trị trong du lịch? Vấn đề này cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng - cũng là nội dung sẽ được tập trung tại hội thảo “Làm gì để bảo tồn chợ nổi Cái Răng” sẽ diễn ra trong tháng 9/2020.
Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng.
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, chia sẻ rằng: Chợ nổi Cái Răng là tài sản vô giá, nét văn hóa đặc sắc của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Ðến nay người dân còn giữ sinh hoạt văn hóa sông nước đặc thù, là tài nguyên du lịch đặc sắc, khác biệt.
Chợ nổi Cái Răng được xem là biểu tượng của văn hóa sông nước ÐBSCL, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Thế nhưng vẫn có những tồn tại. Du khách Nguyễn Thành Long, TP Hồ Chí Minh, nói: “Tôi đã ghé chợ nổi 2-3 lần và đây là nét đặc trưng của Tây Nam Bộ. Nhưng đáng tiếc nhiều năm qua điểm đến vẫn “một màu” như thế. Tôi không hề muốn so sánh, nhưng cùng là chợ nổi mà Thái Lan lại làm rất tốt ở các trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ; mặc dù là nhân tạo. Ở nước mình là chợ thật, nên càng tiếc vì vẫn thiếu điều gì đó để thực sự níu chân du khách”.
Chợ nổi Cái Răng là Di sản văn hóa phi vật thể rất được TP Cần Thơ trân trọng. Ðiều đó được minh chứng qua Ðề án Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng (Ðề án) được xây dựng và triển khai. Ðề án có 2 giai đoạn 2016-2018 và 2019-2020; với tổng cộng 13 hạng mục công trình. Qua 4 năm triển khai, 9/13 công trình đã thực hiện. Cụ thể, đã đầu tư hệ thống phao tiêu phân luồng giao thông, duy trì các hoạt động mua bán trên sông qua việc triển khai hỗ trợ vốn vay, xây dựng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản, trái cây sạch cung nguồn cho chợ nổi, tổ chức thu gom rác bảo vệ môi trường, quầy hàng nổi trên sông, nhà vệ sinh công cộng trên sông, duy trì mô hình trình diễn đờn ca tài tử định kỳ vào cuối tuần trên chợ nổi… Hiện 4 hạng mục đang triển khai là: trạm dừng chân, cầu tàu chợ nổi, du thuyền, nhà hàng nổi ven sông.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Ðề án cũng gặp không ít khó khăn. Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Cái Răng, cho biết: “Nhiều vấn đề phát sinh, như sự chồng chéo về thủ tục pháp lý, quản lý chợ nổi. Xử lý rác thải và bảo vệ cảnh quan, vệ sinh trên chợ nổi còn nhiều bất cập. Khó kiểm soát việc quản lý giá cả ở chợ nổi... Nhiều hạng mục đã không phù hợp thực tế. Trên cơ sở này, UNBD quận Cái Răng kiến nghị điều chỉnh một số hạng mục”. Theo đó, một số nội dung mới sẽ được đề xuất: xây dựng chợ đầu mối nông sản, hỗ trợ nước sạch và trợ giá cho người dân chợ nổi, tăng cường xử lý rác thải trên chợ nổi bằng nhiều mô hình giải pháp mới, các cơ chế phối hợp để quản lý hoạt động du lịch và xử lý các vi phạm…
Ðó là những vấn đề phát sinh từ thực tế tại chợ nổi. Một ví dụ cụ thể: việc chặt chém, nâng giá vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Cái khó của tiểu thương, bà con buôn bán trên chợ nổi, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống, là phải phụ thuộc ít nhiều vào các chủ ghe. Muốn có khách họ phải chi hoa hồng, tối thiểu là 10% để chủ ghe đưa khách đến. Ðiều này khiến giá cả đội lên và du khách không hài lòng. Chính quyền địa phương cũng đã kiểm tra, xử lý nhưng chưa thể triệt để vì khâu quản lý còn chồng chéo. Hoạt động du lịch tại chợ nổi Cái Răng rất bị động vì phần lớn các tàu chở khách tham quan từ Ninh Kiều, hay Phong Ðiền, Bình Thủy; Cái Răng không thể quản lý lưu lượng những tàu chở khách vì không có cơ chế quản lý hay phối hợp. Chính vì thế, khi có sai phạm hay vấn đề phát sinh rất khó xử lý.
Mặt khác, người dân chợ nổi chưa biết cách làm du lịch. Hoạt động chính của họ là mua bán nông sản, chủ yếu là bán sỉ, họ không thu lợi từ chi trả của du khách và bị động trong tiếp đón khách. Nguồn thu từ nông sản cũng thất thường và cũng là một trong những nguyên do khiến chợ thưa thớt, thương hồ bỏ chợ. Mà họ lại chính là cái hồn của chợ nổi, có thương hồ chợ mới có thể tiếp tục. Ðiều này trở thành trăn trở được địa phương quan tâm hàng đầu. Ðó là phải lo an sinh xã hội để bà con mưu sinh, an tâm gắn bó lâu dài với chợ nổi.
Những vấn đề trên sẽ được bàn thảo kỹ trong hội thảo “Làm gì để bảo tồn chợ nổi Cái Răng”. Trước mắt, sẽ có đề xuất giải pháp nguồn sản xuất, cung cấp nông sản cho chợ nổi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ sẽ tham vấn và đề xuất hỗ trợ nông dân định hướng trồng nông sản phù hợp với thị trường chợ nổi Cái Răng, hay phát triển thêm một số trái cây đặc sản để hình thành hệ thống nông sản đa dạng, chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh giải quyết nguồn cung, cũng có giải pháp đầu ra, tiêu thụ nông sản cho chợ nổi. Sở Công Thương thành phố sẽ tư vấn, kết nối và định hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với doanh nghiệp, công ty đầu mối, đảm bảo đầu mối tiêu thụ ổn định, dài hạn và tin cậy. Về các chính sách an sinh xã hội, địa phương sẽ tập trung cho trợ giá, nước sạch, y tế, giáo dục, an ninh trật tự và các nhu cầu thiết yếu.
Ngoài ra, hội thảo cũng bàn giải pháp kỹ thuật để xây dựng ổn định chợ nổi, phát triển du lịch gắn với bảo tồn chợ nổi. Theo đó, từng bước quản lý hoạt động du lịch trên chợ nổi, giải quyết các rào chắn địa lý, sắp xếp trật tự tour - tuyến hay ổn định giá cả. Sẽ có những trao đổi với những người làm du lịch giàu kinh nghiệm, để thiết lập cơ chế quản lý phù hợp, định hướng xây dựng được sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm theo đúng mong muốn, kỳ vọng của du khách. Một vấn đề được quan tâm nữa là giải pháp về môi trường lâu dài, ổn định. Bên cạnh đó còn có nhiều giải pháp về sự phối hợp liên ngành, giữa các địa phương (Cái Răng, Ninh Kiều) trong quản lý.
Việc gìn giữ chợ nổi là trách nhiệm của cả chính quyền, cộng đồng, địa phương và du khách. Chợ nổi Cái Răng cần sự chung tay và những góp ý có tính chất xây dựng để giữ hồn chợ nổi, cũng là giữ nét văn hóa truyền đời.
Bài, ảnh: ÁI LAM
Nguồn: Báo Cần Thơ