Hoạt động của ngành

Hòa Bình: Khai thác tiềm năng du lịch tâm linh, không gian văn hóa Mường

Cập nhật: 07/07/2020 09:06:43
Số lần đọc: 850
Cao Phong - vùng đất Mường Thàng giàu bản sắc văn hóa truyền thống, còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc, là một phần trong nền Văn hóa Hòa Bình, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa gắn với quá trình đấu tranh của dân tộc, đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Lễ hội đền Bồng Lai, thị trấn Cao Phong được tổ chức với nhiều hoạt động, thu hút đông đảo du khách.

Cao Phong là địa phương có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch như: du lịch cộng đồng, du lịch miệt vườn, du lịch khám phá hang động, thăm quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa. Nổi bật hơn cả du lịch văn hóa, tâm linh với nhiều điểm hấp dẫn: đền Chúa Thác Bờ (xã Thung Nai), đền Thượng Bồng Lai (thị trấn Cao Phong), chùa Khánh (xã Yên Thượng), chùa Quèn Ang (xã Hợp Phong), điểm lưu dấu chiến công của Anh hùng Cù Chính Lan (xã Bình Thanh)...

Nếu như đền chúa Thác Bờ nằm trong chuỗi các điểm du lịch hồ Hoà Bình, không chỉ mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị khi vừa đi lễ, vừa được thưởng ngoạn phong cảnhh hữu tình, ngắm những đảo lớn nhỏ nhấp nhô trên mặt hồ, những ngôi nhà sàn ẩn hiện hai bên bờ sông Đà, thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng hồ, thì đền Thượng Bồng Lai, nằm trong khu du lịch tâm linh đền Bồng Lai dưới chân núi Đầu Rồng lại mang đến cho du khách những trải nghiệm khác. Ngoài chiêm bái, du khách được thăm quan quần thể di tích núi Đầu Rồng, với nhiều hang động đẹp liên kết với nhau. Một điểm du lịch tâm linh nữa được đông đảo du khách gần xa biết đến là khu di tích danh thắng chùa Khánh. Chùa nằm trong khu di tích lịch sử cấp quốc gia chiến khu Cao Phong - Thạch Yên, đã được Bộ VH-TT xếp hạng năm 1996. Chùa Quèn Ang, di tích lịch sử gắn với sự tích "Vườn hoa núi Cối”, một câu chuyện tình được thầy mo kể cho người đã khuất trong 12 đêm trước khi về Mường Trời.

Xác định du lịch văn hóa tâm linh là một trong những điểm nhấn, góp phần thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói” của huyện phát triển. Trưởng Phòng VH-TT huyện Bùi Tiến Dũng cho biết: Với tiềm năng, lợi thế về du lịch, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều danh lam thắng cảnh chứa đựng những huyền tích, huyền thoại đã đi vào lịch sử. Những năm qua, huyện đã ban hành các quyết định về phát triển du dịch, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn, từng bước đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối các các tuor, điểm du lịch trong huyện. Trong đó, phải kể đến việc đầu tư tu bổ, tôn tạo, xây dựng các đền, chùa theo hướng phục dựng nguyên trạng ban đầu. Đầu tư phát triển du lịch sinh thái, hang động kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh, tạo điểm nhấn thu hút du khách trong, ngoài huyện đến Cao Phong.

Hiện nay, huyện đang triển khai thực hiện đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường Hòa Bình, giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, huyện triển khai kế hoạch xây dựng khu không gian bảo tồn di sản văn hóa mo Mường gắn với dịch vụ du lịch tại xã Hợp Phong, trong đó tái hiện nét văn hóa đặc của 4 vùng Mường cổ của tỉnh (Mường Thàng, Mường Bi, Mường Vang, Mường Động) và khu giao lưu văn hóa Việt Mường, đỉnh núi Cối… Toàn huyện có 29 thầy mo làm nghề, thường xuyên thực hiện nghi lễ mo tại các xã, thị trấn. Phạm vi, quy mô của tín ngưỡng mo thể hiện ở các nghi lễ trong đời sống của người Mường Cao Phong. Những bài mo có ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với cộng đồng dân tộc Mường, với nội dung khuyên răn con người tránh làm điều ác, chuyển tải tinh thần đoàn kết của gia đình, dòng họ, cộng đồng và dân tộc.

Việc gắn kết văn hóa mo Mường với các hoạt động phát triển du lịch, nhằm phát huy hiệu quả giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương. Đồng thời, quảng bá, thu hút du khách đến với du lịch văn hóa tâm linh Cao Phong nhiều hơn.

 

Hồng Ngọc

 

Nguồn: baohoabinh.com.vn

Cùng chuyên mục