Hoạt động của ngành

Hội nghị khoa học xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030

Cập nhật: 06/07/2020 10:12:59
Số lần đọc: 909
Sáng 3/7, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị khoa học xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Sở, ngành, địa phương, các nhà khoa học trong tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh nhấn mạnh, tỉnh Đắk Lắk có vị trí thuận lợi là trung tâm vùng Tây Nguyên. Đắk Lắk có hệ thống giao thông đường bộ kết nối với các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ thông qua quốc lộ 14, 14C, 26, 27, 29. Ngoài ra, Sân bay Buôn Ma Thuột là cảng hàng không lớn, là đầu mối giao thông quan trọng nối Đắk Lắk với các trung tâm kinh tế và du lịch lớn của cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ và trong tương lai sẽ kết nối với các thị trường quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu khai mạc Hội nghị

Bên cạnh đó, Đắk Lắk có nền văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc Tây Nguyên như: văn hóa cộng đồng, văn hóa cồng chiêng, ẩm thực, sử thi, luật tục, kiến trúc nhà dài, chế độ mẫu hệ... Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loài. Ngoài ra, Đắk Lắk còn có hệ thống thác nước hùng vĩ, nguyên sơ, cùng các khu rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú và các mặt hàng nông sản chủ lực như: cà phê, ca cao, hồ tiêu, điều, bơ, sầu riêng... trong đó, cà phê Buôn Ma Thuột là mặt hàng nổi tiếng trên thế giới. Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 212 cơ sở lưu trú du lịch, gồm 82 khách sạn từ 1 đến 5 sao và 130 nhà khách, nhà nghỉ với hơn 4.550 buồng, có thể phục vụ khoảng hơn 9.000 lượt khách lưu trú cùng một thời điểm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh khẳng định, Đắk Lắk có đầy đủ các tiềm năng và lợi thế để phát triển mạnh mẽ về du lịch, từ đó góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030

Theo báo cáo tại Hội nghị, dự thảo Đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 có 03 nội dung chính gồm: Sự cần thiết, cơ sở xây dựng Đề án và đánh giá thực trạng phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020; Mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Tổ chức thực hiện.

TS. Nguyễn Duy Thụy - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên phát biểu tai Hội nghị

Góp ý tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đánh giá cao Tổ Biên tập đã xây dựng Đề án chất lượng, có tính thực tiễn cũng như tính sáng tạo trong việc xây dựng và phát triển du lịch tại Đắk Lắk. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi những vấn đề liên quan đến ngành du lịch của tỉnh hiện nay như: cần làm rõ mục tiêu ngắn hạn, dài hạn trong Đề án; cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch tỉnh nhà; hoàn thiện hạ tầng cơ sở về du lịch để hình thành các tour, tuyến du lịch; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá hình thành liên kết du lịch; xây dựng phát triển chuỗi sản phẩm du lịch có giá trị; giải pháp xây dựng một môi trường xã hội thân thiện với du lịch là lợi thế để cạnh tranh; việc huy động mọi nguồn lực cho phát triển du lịch bền vững; cần đa dạng văn hóa, tăng cường bảo vệ và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa đã mang bản sắc của tỉnh...

Bá Lục

 

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Đắk Lắk

Cùng chuyên mục