Hòa Bình: Tạo sức hút cho du lịch huyện vùng cao Mai Châu
Du khách thăm quan, trải nghiệm tại bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu).
Trở lại thăm huyện vùng cao Mai Châu vào những ngày đầu tháng 8, chúng tôi cảm nhận tiết thu se lạnh. Từ trên đỉnh Thung Khe nhìn về phía thị trấn Mai Châu vào sáng sớm bảng lảng sương mù giăng nhẹ, thị trấn thung lũng xanh mướt, đẹp mơ màng. Bản làng của đồng bào Thái thấp thoáng những nếp nhà sàn trên nền cánh đồng lúa đang thì con gái ngào ngạt hương quê. Đúng là phong cảnh thiên nhiên, văn hoá, con người huyện vùng cao Mai Châu luôn có sức hút lạ kỳ đối với bất kỳ ai một lần ghé thăm.
Từ rất lâu, Mai Châu đã có những bản du lịch cộng đồng nổi tiếng như bản Lác, xã Chiềng Châu; bản Pom Cọong, thị trấn Mai Châu ngày đêm lách tách tiếng thoi đưa, những đêm lửa trại hoà nhịp điệu múa sạp trong men rượu cần mời gọi. Đến xã Vạn Mai nghe tiếng suối róc rách ngày đêm không ngơi nghỉ, được thưởng thức các món ăn dân tộc, món cá dầm xanh nướng với cải xoong ngầy ngậy, ngai ngái không thể quên được. Du khách cùng vào bếp với chủ nhà, được thưởng thức những món ăn mộc mạc mà độc đáo như: Cơm lam, cá muối, thịt hun khói, cải ngọt, măng đắng, rau đồ, gà rừng, lòng nướng... có dư vị đậm chất núi rừng và văn hóa dân tộc. Các bản du lịch cộng đồng còn lưu giữ cảnh quan môi trường, các ngành nghề truyền thống; tổ chức đội văn nghệ để biểu diễn, giao lưu, phục vụ các đoàn du khách; được thoải mái đắm mình trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc, nghe các mế, các em dạy câu tỏ tình, câu chào cửa miệng tiếng địa phương cảm thấy thương yêu, nhớ nhung.
Mai Châu có nhiều địa danh đáng đến vì sở hữu một kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú với các lễ hội đặc trưng như: Lễ hội cầu mưa, chá chiêng của dân tộc Thái, lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông... Bên cạnh đó là các sản vật nông nghiệp có tiếng của bà con như: Tỏi tía Noong Luông, khoai sọ Phúc Sạn, rượu ngô Pù Bin. Du khách còn được khám phá khu rừng nguyên sinh Tân Sơn - Pà Cò, Xăm Khòe, Cun Pheo… Hai xã đồng bào Mông Hang Kia, Pà Cò nằm ở độ cao lý tưởng, quanh năm mát mẻ, có thể chạm tay vào mây, đi trong rừng mận, rừng mơ, hoà vào sắc màu phiên chợ núi vùng cao, nhâm nhi hương chè shan tuyết, cùng tham gia sinh hoạt với bà con đem lại cảm giác như chốn thiên thai, tiên cảnh...
Những năm gần đây, huyện Mai Châu đã chú trọng thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch và có những kết quả cụ thể. Trên địa bàn huyện có gần 20 dự án du lịch, thương mại được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư 178,142 tỷ đồng, vốn đầu tư đã và đang thực hiện là 150.741 tỷ đồng. Huyện cũng tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đầu tư hạ tầng giao thông, thiết chế văn hoá, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch. Huyện Mai Châu hiện có 7 điểm du lịch cộng đồng gồm Bản Lác (xã Chiềng Châu), bản Bước (xã Xăm Khòe), bản Văn, bản Pom Coọng (thị trấn Mai Châu), bản Hịch (xã Mai Hịch), bản Pà Cò (xã Pà Cò) và bản Hang Kia (xã Hang Kia), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Các khu nghỉ dưỡng cao cấp như: Avana Resort, Mai Chau Lodge, Mai Châu Ecolodge, Ba Khan village Resort, Mai Chau Hideaway Resort... đã góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch có chất lượng tốt, thu hút du khách có mức chi trả cao, tăng doanh thu. 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động du lịch của huyện khởi sắc. Huyện đón 291.090 lượt khách đến thăm quan, du lịch (tăng 23.087 lượt khách so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, khách trong nước 286.869 lượt và khách quốc tế 4.221 lượt. Tổng doanh thu ước đạt trên 332 tỷ đồng, tăng 110 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Để khai thác tiềm năng, tài nguyên du lịch, huyện tiếp tục triển khai kế hoạch truyên truyền, quảng bá, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, xây dựng sản phẩm du lịch mang bản sắc dân tộc độc đáo, gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đồng thời thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo sức hút ngày càng hấp dẫn cho du lịch Mai Châu.
Lê Chung