Ðầu tư Du lịch

Hòa Bình: Thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch trên huyện Lương Sơn

Cập nhật: 22/11/2021 07:48:45
Số lần đọc: 1135
Với lợi thế gần Thủ đô Hà Nội, giao thông thuận tiện, huyện Lương Sơn lựa chọn phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm, giải trí thể thao, đáp ứng nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng ngắn ngày của du khách, nhất là vào dịp cuối tuần.


Sân golf Phượng Hoàng, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) không chỉ là điểm đến lý tưởng cho các golfer mà còn có khu nghỉ dưỡng sân golf lớn nhất miền Bắc.

Trên địa bàn huyện hiện có nhiều điểm du lịch hoạt động theo các mô hình kết hợp nghỉ dưỡng, như: trang viên Đồng Gội - xã Hòa Sơn; Sunset Resort - xã Tân Vinh; trang trại Vịt cổ xanh Spa Ecolodge, Beverly Hills - xã Cư Yên; Ivory Villa&Resort, Phượng Hoàng Phoenix Golf Resort - xã Lâm Sơn; khách sạn, vườn ăn Mỹ Hạnh - xã Hòa Sơn. Có 1 doanh nghiệp phát triển loại hình dịch vụ vận tải du lịch là Công ty CP du lịch Lương Sơn.

5 dự án đang trong giai đoạn khảo sát, triển khai, trong đó, tại xã Cao Sơn có dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Jewel của Công ty CP dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Jewel; trang trại sinh thái hữu cơ phục vụ phát triển giáo dục và khoa học công nghệ sinh học Wilderland; khu du lịch nghỉ dưỡng Green Life Hòa Bình của Công ty TNHH đầu tư và phát triển công nghệ Green Life Hòa Bình; thành phố thể thao Sport City của Công ty CP giải pháp truyền hình thế hệ mới Next Media; tại xã Tân Vinh có dự án khu du lịch sinh thái Hòa Bình Ville De Montage của Công ty CP đầu tư IDJ Việt Nam.

Bên cạnh đó, các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh như động Đá Bạc, chùa Quất Lâm, đình - miếu Trung Báo, đình Bá Lam, đình Quèn Thị, Tứ Đền… từng bước được tu bổ, tôn tạo, trở thành điểm du lịch tâm linh khá thu hút. Ngoài ra, làng nghề gỗ lũa, đá cảnh xã Lâm Sơn cũng đón khách thăm quan, mua sắm, tạo sự phong phú, đa dạng về sản phẩm du lịch.

Những năm gần đây, dịch vụ phụ trợ cho phát triển du lịch như nhà hàng ăn uống xuất hiện ngày càng nhiều, tiêu biểu là các nhà hàng ẩm thực dân tộc Mường, các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP như thịt gà Thuận Phát, bưởi Diễn Tân Thành, ổi Mỹ Tân, chuối Viba, thịt dê núi Lương Sơn, mật ong Lâm Sơn… Công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc được kết hợp với phát triển du lịch. Tiềm năng về sản phẩm du lịch bước đầu được xâu chuỗi, khai thác kết hợp với phát triển du lịch.

Đáng chú ý trong 5 năm trở lại đây, huyện đã thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong hoạt động du lịch. Trên địa bàn có 6 điểm du lịch đang hoạt động, kinh doanh theo mô hình sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao; 6 cơ sở lưu trú được xếp hạng 2 sao, 1 cơ sở hạng 3 sao. Năm 2020, du lịch của huyện đón trên 127.000 lượt khách (trên 76.000 khách quốc tế, 51.000 khách nội địa). Tổng doanh thu từ du lịch đạt 342 tỷ đồng. Với 63 cơ sở lưu trú, gồm 6 khách sạn, 57 nhà nghỉ đã thu hút, tạo việc làm cho 251 lao động. Công suất sử dụng dịch vụ đạt trung bình từ 40 - 70%, thu nhập bình quân người lao động đạt từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, 9 tháng năm nay, huyện vẫn đón gần 87.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt trên 171,5 tỷ đồng. Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng VH-TT huyện, giai đoạn 2021 - 2025, huyện phấn đấu thu hút trên 1 triệu lượt khách (khách quốc tế 520 nghìn lượt, khách nội địa 480.000 lượt), doanh thu đạt trên 2.000 tỷ đồng. Kế hoạch giai đoạn 2025 - 2030, huyện sẽ trở thành thị xã. Đây là cơ hội để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào dịch vụ du lịch. Ngay từ bây giờ, huyện tăng cường giải pháp tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch với nhiều hình thức ấn phẩm, tập gấp, pano tấm lớn, biển chỉ dẫn du lịch, bảng điện tử, trang thông tin điện tử du lịch Lương Sơn… Tích cực tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa sinh thái, nghỉ dưỡng.

Bùi Minh

 

 

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT