Kon Tum: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch
Theo ông Nguyễn Văn Bình- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, triển khai thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội XV, XVI Đảng bộ tỉnh, trong thời gian qua, ngành đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn các huyện, thành phố ngày càng được cải thiện. Hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch được xây dựng. Cơ sở lưu trú tăng về số lượng, đảm bảo chất lượng. Một số dự án phát triển du lịch đã được đầu tư và đưa vào khai thác nên lượng khách du lịch đến tỉnh Kon Tum ngày càng tăng.
Kết quả đạt được rõ nét trong giai đoạn qua là công tác thu hút đầu tư vào địa bàn có chuyển biến tích cực, nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tỉnh đã ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Kon Tum giai đoạn 2018-2020, trong đó có 34 dự án thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch; danh mục dự án thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 với 17 dự án, trong đó có 6 dự án du lịch - dịch vụ. Trong giai đoạn 2016-2020, đã bố trí trên 257 tỷ đồng ngân sách tỉnh và ngân sách trung ương để thực hiện đầu tư các công trình trọng điểm về du lịch và hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch như tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng; thu hút được 10 dự án đầu tư kết hợp du lịch với tổng vốn đăng ký hơn 1.617 tỷ đồng.
Cầu treo Kon Klor - điểm đến lý tưởng của các du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Ban
Công tác xúc tiến du lịch có nhiều tiến bộ, hình ảnh về vùng đất con người Kon Tum cùng với tiềm năng du lịch được tuyên truyền quảng bá bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, bước đầu thu hút được du khách và các nhà đầu tư đến với Kon Tum, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối các tour tuyến đón khách tham quan, du lịch dễ dàng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.
Hiện nay, tỉnh ta có 153 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 2.183 phòng, trong đó, khách sạn xếp hạng 3 sao có 2 đơn vị với 131 phòng; xếp hạng 2 sao 9 đơn vị với 303 phòng; xếp hạng 1 sao 45 đơn vị với 688 phòng.
Xuất phát từ lợi thế về vị trí địa lý, truyền thống văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, tỉnh đã xác định và phát triển những sản phẩm du lịch chính: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa - tôn giáo, du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng, các loại hình du lịch thương mại - công vụ…tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch như ẩm thực, đồ mỹ nghệ...
Thời gian qua, UBND tỉnh đã công nhận 10 làng, điểm du lịch. Việc công nhận các điểm du lịch, tạo tiền đề cho việc đầu tư và thu hút đầu tư cho phát triển du lịch. Ông Nguyễn Quang Cư - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình I, đơn vị khai thác điểm du lịch thác Pa Sỹ cho biết: Việc các điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận, trong đó khu du lịch thác Pa Sỹ đã giúp chúng tôi khai thác hiệu quả hơn nguồn tài nguyên du lịch. Qua đó, khu du lịch chúng tôi được nhiều người biết hơn và từ đó có thêm cơ hội để quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch.
Nhờ vậy, giai đoạn 2016-2020 tỉnh ta đạt 1.808,353 lượt khách đến (trong đó, khách quốc tế đạt 645.130 lượt, khách nội địa đạt 1.163,223 lượt). Doanh thu du lịch bình quân hàng năm đạt trên 200 tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng qua các năm tăng đều từ 65-75%. Tổng số lao động làm việc trong các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp lưu trú lữ hành, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh có 1.779 người.
Những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án Phát triển Du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển du lịch Kon Tum. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế như cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch quy mô còn nhỏ, thiếu đồng bộ, chất lượng dịch vụ chưa chuyên nghiệp; nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế; việc xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch là thế mạnh còn thiếu tính sáng tạo; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú, chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu và yếu…
Những khó khăn đó đòi hỏi trong thời gian tới các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần sớm tìm các giải pháp khắc phục, nhằm từng bước phát triển, xây dựng thương hiệu du lịch Kon Tum mang tính đặc trưng riêng, vươn tầm trong nước và quốc tế.
Hà Nam