Quảng Trị: Đầu tư xây dựng Khu Du lịch sinh thái thác Ba Vòi - huyện Đakrông và Khu Du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng - huyện Hướng Hóa
(Động Brai)
Động Brai và thác Tà Puồng là hai địa danh thắng cảnh nổi tiếng khu vực Bắc Hướng Hóa. Thác Tà Puồng được các chuyên gia đánh giá là một trong những hệ thống thác lớn của Việt Nam và có hệ sinh thái tự nhiên vô cùng phong phú, bao gồm hang động Brai bên sông Sê Băng Hiêng, hệ thống hang động và thác Tà Puồng, suối Trăng nằm giữa cánh rừng tự nhiên hoang sơ có sức hấp dẫn lớn với du khách. Theo nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu Du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng, huyện Hướng Hóa được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt tại Quyết định số 2129/QĐ-UBND, khu du lịch sinh thái có quy mô lập quy hoạch khoảng 170ha với tính chất khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, phát triển du lịch cộng đồng và khai thác loại hình du lịch mạo hiểm. Phạm vi khu vực lập quy hoạch bao gồm 02 khu vực chính gắn với các điểm có tài nguyên du lịch. Khu vực Trăng - Tà Puồng (xã Hướng Việt) gồm có Động Tà Puồng; hệ thống Thác Tà Puồng 1,2,3 và suối Trăng. Khu vực thôn A Xốc (xã Hướng Lập) có núi Brai, Động Brai, cầu và sông Sê Păng Hiên, núi và suối Tà Bung. Xen giữa các điểm du lịch là 02 điểm dân cư Trăng và Tà Puồng thuộc thôn Trăng – Tà Puồng xã Hướng Việt. Khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng, huyện Hướng Hóa có quy mô dân số dự kiến khoảng 409 người, khách du lịch 280 - 1.000 khách/ngày (dự báo đến năm 2030).
(Thác Tà Puồng trên)
(Thác Tà Puồng dưới)
Khu Du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng, huyện Hướng Hóa gồm các phân khu: khu vực bảo tồn cảnh quan và du lịch sinh thái mạo hiểm khám phá thiên nhiên; khu tiếp đón và dịch vụ du lịch sinh thái mạo hiểm; khu du lịch cộng đồng và vui chơi giải trí tập trung; khu dịch vụ du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; khu tái định cư và sản xuất.
Theo Quyết định số 2130/QĐ-UBND, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu du lịch sinh thái thác Ba Vòi, huyện Đakrông, tính chất của khu du lịch này sẽ là khu du lịch sinh thái mạo hiểm và du lịch cộng đồng. Quy mô lập quy hoạch dự án này khoảng 120ha. Quy mô dân số dự kiến khoảng 210 người, khách du lịch 250 - 500 khách/ngày (dự báo đến năm 2030). Phạm vi quy hoạch được xác định chủ yếu tại bản Đá Ngồi thôn Gia Giã xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông hướng lên thác Ba Vòi và một phần đất rừng thuộc xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị.
Thác Ba Vòi nằm ngay dưới đỉnh núi Voi Mẹp (Tá Linh Sơn) thuộc xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông là một trong địa danh, thắng cảnh độc đáo ở đầu nguồn Sông Hiếu được biết đến từ lâu nhưng chưa được khai thác. Bên cạnh đó, còn có động Voi Mẹp và núi Voi Mẹp ở độ cao 1.750 mét (được mệnh danh Pan-xi-păng Quảng Trị) và đỉnh Pa Thiên. Với cảnh tượng hùng vĩ, khí hậu trong lành, lại nằm giữa những cánh rừng gần như nguyên sinh, hệ thống thác Ba Vòi và hệ sinh thái nơi này hứa hẹn hấp dẫn du khách tham quan. Khu du lịch sinh thái thác Ba Vòi gồm các phân khu: khu vực bảo tồn cảnh quan và du lịch sinh thái mạo hiểm khám phá thiên nhiên; khu hậu cần dịch vụ du lịch; khu vui chơi giải trí tập trung; khu giao lưu văn hóa cộng đồng; khu dân cư; khu đón tiếp và điều hành.
Thác Ba Vòi
Về mật độ xây dựng, cả 2 khu du lịch phải tuân thủ theo các chỉ tiêu sau: 5% đối với khu vực bảo vệ thiên nhiên; 30% đối với khu vực bungalow, homestay và đất ở bản làng truyền thống; 25% đối với khu dịch vụ du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị là đơn vị được UBND tỉnh Quảng Trị đã giao nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu xây dựng các khu du lịch sinh thái tại khu vực thác Ba Vòi, huyện Đakrông và khu vực Brai – Tà Puồng, huyện Hướng Hóa.
Với 2 quyết định này, tỉnh Quảng Trị sẽ có 2 khu du lịch sinh thái thiên nhiên tuyệt đẹp được quy hoạch và đưa vào kế hoạch đầu tư phát triển, sẽ tạo nên động lực cho du lịch Quảng Trị ngày càng khởi sắc./.
Tác giả bài viết: Lê Minh Sơn