Lai châu: Đẩy mạnh đầu tư du lịch vùng chè Phúc Khoa
Ngày 11/9 vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Tân Uyên phối hợp với UBND xã Phúc Khoa tổ chức cho người dân 2 bản Ngọc Lại, Phúc Khoa trồng hoa dọc các tuyến đường sản xuất của vùng chè 2 bản. Được sự đồng thuận nhất trí cao, ngay từ sáng sớm bà con đã chuẩn bị dụng cụ để lên đồi trồng, người vác cuốc, người mang xẻng… khí thế tươi vui, tiếng cười nói râm ran khắp nương chè. Do thời tiết nắng sớm nên bà con thống nhất làm xong sớm để tránh nắng, chỉ đến khoảng 9 giờ sáng, từng hàng hoa muồng hoàng yến đã được người dân vun trồng, buộc rào chắn cẩn thận, tránh bị gãy đổ.
Ông Đỗ Văn Thử (người dân bản Ngọc Lại) năm nay đã 65 tuổi nhưng từng nhát cuốc bổ xuống vẫn còn chắc nịch. Hăng say vun gốc hoa vừa trồng, ông dừng lại niềm nở: Tôi quê gốc ở Hà Tây, lên Tây Bắc xây dựng vùng kinh tế mới từ năm 1977. Dưới bàn tay xây đắp của bao gia đình, nay quê hương Phúc Khoa đã có nhiều thay đổi, đồi chè là một trong những nơi đem lại nguồn kinh tế chính giúp người dân chúng tôi làm giàu. Qua phát động của UBND xã, trưởng bản đã họp bản triển khai đến toàn thể Nhân dân, chúng tôi đều đồng thuận trồng hoa trên những nương chè. Nếu dự án thành công, sau này bà con chăm sóc, thu hái chè lại có thêm bóng mát và còn có nguồn thu từ du lịch. Gia đình tôi dù không có diện tích chè trong vùng trồng hoa nhưng vẫn vui vẻ cùng các hộ dân trong xã tích cực trồng với mong muốn làm cho xã nhà ngày càng đẹp hơn.
Còn với anh Nguyễn Tiến Lân – Trưởng bản Phúc Khoa thì khẳng định, thời điểm đầu vận động Nhân dân trồng xen cây hoa ven đường quả thật không dễ chút nào bởi bà con cho rằng dù ít, dù nhiều sẽ phạm phải đất chè nên lo ngại ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, năng suất cây chè, không hợp tác với chính quyền xã. Thế nhưng khi tư tưởng đã thuận, bây giờ bà con phấn khởi lắm, khi được thông báo lịch trồng hoa, mỗi nhà cử một người tập trung tại điểm tập kết từ rất sớm. Sau khi trồng hết số cây đã được đơn vị cung ứng giống vận chuyển đến tận đầu bờ nương chè, chúng tôi điểm danh từng người. Ai về trước được coi như vắng mặt.
Người dân trồng cây hoa muồng hoàng yến trên đồi chè tại bản Phúc Khoa (xã Phúc Khoa).
Công tác vận động, tuyên truyền bà con thực hiện chủ trương này được anh Đỗ Anh Tuấn – Phó phòng NNPTNT huyện phân tích cụ thể: Chương trình xây dựng NTM là chương trình do Nhà nước và Nhân dân cùng làm, do vậy nếu không được người dân đồng thuận thì cố làm cũng không thể bền lâu được. Ngày đầu mới triển khai chủ trương trồng hoa ven đường, xen lẫn nương chè, không biết bao lần chúng tôi đã về xã làm việc với lãnh đạo xã, bí thư chi bộ, trưởng bản và các đoàn thể ở bản để tuyên truyền. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, không phải sự đồng thuận có được ngay trong lần đầu tiên. Với sự kiên trì tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã phân tích cặn kẽ những lợi ích từ việc trồng hoa trên nương chè cũng giống như trồng cây mắc ca (nhiều nơi đã cho thu hoạch trên địa bàn huyện) không hề ảnh hưởng đến năng suất chè mà còn cho bóng mát để người dân nghỉ ngơi mỗi khi chăm sóc, thu hái chè. Khi ra hoa, có khách du lịch ghé thăm, người dân còn có thêm nguồn thu từ tiền vé tham quan. Kết quả là 100% các hộ dân đồng thuận, kể cả các hộ không có diện tích chè trồng xen hoa.
Việc trồng cây xanh gắn với du lịch NTM, Phòng NNPTNT và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiến hành trồng 870 cây, trong đó 770 cây muồng hoàng yến và 100 cây ban trắng, tổng kinh phí gần 700 triệu đồng. Dự kiến chỉ trong vài năm, các loại cây này cho hoa, phục vụ đắc lực cho phát triển du lịch.
Thực hiện Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 14/1/2020 về việc phê duyệt Đề án xây dựng NTM gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 – 2025, HĐND huyện Tân Uyên đã cụ thể hóa thành Nghị quyết số 117/NQ-HĐND ngày 16/12/2020; UBND huyện ban hành Kế hoạch số 1264/KH-UBND thực hiện Đề án xây dựng xã, bản NTM nâng cao gắn với phát triển du lịch huyện giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, bản Phúc Khoa (xã Phúc Khoa) được lựa chọn làm điểm để thực hiện nâng cao các tiêu chí NTM gắn với phát triển du lịch.
Theo đó, cùng với việc trồng hoa tạo cảnh quan, Phúc Khoa còn được Nhà nước hỗ trợ nâng cấp 5km đường vùng chè bản Phúc Khoa, Nà Lại, Nà Khoang; 1,8km tại bản Phúc Khoa, Nậm Bon. Ngoài ra, kêu gọi Nhân dân xã hội hóa xây dựng bãi đỗ xe, điểm dừng chân ngắm cảnh, nhà vệ sinh công cộng bản; nâng cấp nhà máy chế biến chè gắn với vùng nguyên liệu. Vận động Nhân dân tập trung chỉnh trang nhà cửa, sân ngõ, ao vườn ngăn nắp, gọn gàng sạch sẽ; thực hiện thu gom và xử lý rác thải, nước thải theo quy định, đảm bảo đường bản và những nơi công cộng luôn sạch sẽ. Hàng năm, xã được tỉnh quan tâm đào tạo khoảng 3-5 nhân viên là người dân trong bản về kỹ năng làm du lịch nông thôn; tổ chức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch để thu hút khách đến tham quan vùng chè và các nhà máy chế biến chè.
Dẫu chưa hiện hữu màu vàng của muồng hoàng yến, trắng tinh khôi của hoa ban nhưng rõ ràng, những trảng chè xanh mướt với những búp non mơn mởn ánh lên trong mỗi buổi sớm mai ở Phúc Khoa cũng đã để nhớ, để thương cho nhiều người. Mong rằng, trong thời gian không xa nữa, cùng với sự quan tâm của tỉnh, huyện, các cơ quan chuyên môn và nội lực vươn lên từ xã, Phúc Khoa sẽ là điểm đến du lịch cộng đồng, sinh thái lý tưởng nơi cửa ngõ của huyện Tân Uyên.
Thu Trang