Hoàng Liên Sơn - Điểm đến hấp dẫn của thế giới năm 2019
Hoàng Liên Sơn, đoạn tận cùng phía Đông Nam của dãy núi Himalaya nằm ở khu vực Tây Bắc của Việt Nam được Tạp chí National Geographic xếp thứ 7 trong bảng xếp hạng này, đồng thời được bình chọn là điểm đến thú vị nhất khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Sun World)
Kỳ vĩ Fansipan
“Đây là 28 chuyến hành trình hay nhất và những trải nghiệm này đã tạo ra nguồn cảm hứng, thay đổi tầm nhìn, kết nối chúng tôi với những nền văn hóa, những điểm đến và ý tưởng gây ảnh hưởng đến thế giới,” ông George Stone, Trưởng ban biên tập du lịch của National Geographic chia sẻ.
Trong phần giới thiệu về Hoàng Liên Sơn, tạp chí nổi tiếng này mô tả: “Nhờ có tuyến cáp treo mới, ngày càng nhiều du khách có cơ hội chạm tới đỉnh cao Fansipan 3.143m. Nhưng khu vực vùng núi Tây Bắc này (cách xa thị trấn Sa Pa nhộn nhịp) vẫn còn nguyên đó sự hoang sơ, thôn dã, một thế giới tách biệt hẳn so với Hà Nội ồn ào đô thị, mặc dù chỉ cách thủ đô khoảng 313km về hướng Đông Bắc.”
Để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp ban sơ của Điểm đến hấp dẫn của thế giới 2019 Hoàng Liên Sơn, cáp treo Fansipan là một phương tiện khá lý thú.
Cáp treo ba dây nối từ Thung lũng Mường Hoa đến đỉnh Fansipan “Nóc nhà Đông Dương” đưa du khách lướt đi giữa thung lũng ngợp ngời rừng nguyên sinh xanh thẳm, xuyên qua những cụm mây trắng bồng bềnh, thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ vĩ, hút hồn của dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp.
Từ trên lưng chừng trời, qua khung cửa kính cáp treo, du khách thỏa sức thu trọn vào tầm mắt vẻ đẹp Tây Bắc đặc trưng của những thửa ruộng bậc thang khi vào mùa lúa.
Tại đây, một quần thể các công trình kiến trúc tâm linh uy phong sừng sững giữa núi non trùng điệp, ẩn mình trong làn mây trắng bảng lảng, trong tiếng chuông ngân vang văng vẳng từng kẽ đá mang tới cảm giác thật an nhiên, tự tại.
Tại quần thể này, du khách có dịp chiêm bái đại tượng Phật A Di Đà - một trong những bức tượng Phật bằng đồng cao nhất Việt Nam với chiều cao 21,5m, được ốp từ hàng chục nghìn tấm đồng mỏng 5mm. Đây cũng là công trình tượng Phật kỳ công hiếm có ở Việt Nam. Từ nơi này, du khách có thể bao quát quang cảnh dãy Hoàng Liên dưới cái nhìn nhân từ của đức Phật.
Đỉnh cao nhất của Fansipan là nơi đặt chóp tháp 3.143m, dấu mốc quan trọng cho hành trình chinh phục nóc nhà Đông Dương. Đây là nơi du khách được hòa mình trong biển mây đẹp khó cưỡng như tạp chí National Geographic miêu tả khi nói về Hoàng Liên Sơn.
Sa Pa - nơi di sản thành tài sản
Ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa vào mùa nước đổ. (Ảnh: Trang Linh)
Đến Hoàng Liên Sơn, du khách không chỉ chinh phục đỉnh Fansipan hùng vĩ mà còn có cơ hội tìm hiểu, khám phá tập quán, văn hóa của sáu dân tộc anh em gồm H'Mông, Dao, Xá Phó, Tày Giáy, Kinh, Hoa đã định cư từ lâu đời. Nét đặc trưng của văn hóa vùng Hoàng Liên Sơn đã thổi hồn vào du lịch, tạo nguồn lực phát triển du lịch.
Huyện Sa Pa đã tập trung đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, hướng về bản làng và người dân, cộng đồng dân cư. Tính đến nay, toàn huyện Sa Pa có gần 160 cơ sở homestay, tập trung ở các xã Tả Van, Lao Chải, Bản Hồ, Tả Phìn… đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Chính quyền huyện Sa Pa đã xác định phương châm “biến di sản thành tài sản” và mỗi cộng đồng, mỗi làng bản phải có một sản phẩm mang tính đặc trưng. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Sa Pa tập trung bảo tồn các lễ hội truyền thống, như Lễ hội Xuống đồng, Gầu tào, Roóng poọc, Múa xòe, Múa chuông, Múa quạt, Lễ cấp sắc…
Sau khi bảo tồn, phục dựng nguyên bản, Sa Pa đưa các lễ hội vào hoạt động du lịch ở thị trấn, xã và các bản làng, tập trung thành “chuỗi” vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu Xuân, dịp nghỉ lễ trong năm, nhằm thu hút, phục vụ du khách. Ở các xã đều thành lập đội văn nghệ dân tộc, sẵn sàng biểu diễn phục vụ du khách ngay tại các điểm homestay. Nhờ vậy, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.
Bên cạnh đó, Sa Pa tăng cường tôn tạo, bảo vệ bãi đá cổ Mường Hoa đã được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa quốc gia và hệ thống ruộng bậc thang ở địa phương, trọng điểm là các xã Trung Chải, Tả Van, Hầu Thào, Sa Sả Hồ đã được công nhận di tích danh thắng quốc gia. Đây là những “điểm nhấn,” tạo cảnh quan môi trường và bản sắc văn hóa, thu hút du khách đến các bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Song song với tuyến cáp treo lên đỉnh Fanxxipan thì tuyến đường thám hiểm xuyên qua lõi Vườn quốc gia Hoàng Liên chinh phục nóc nhà Đông Dương cũng là địa chỉ thú vị thu hút đông đảo du khách quốc tế.
Đoàn thám hiểm xuất phát từ điểm cao 1.900m ở Trạm Tôn và đi bộ lên điểm cao 2.900m. Từ độ cao này có thể ngắm các bản làng của bà con các dân tộc Mông, Dao, Giáy… sống rải rác trên lưng núi.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, với diện tích hơn 60 nghìn ha, nằm ở độ cao từ 1.000-3.000m so với mực nước biển, Vườn quốc gia Hoàng Liên được ví như lá phổi xanh của khu vực Tây Bắc và là trung tâm đa dạng sinh học với nhiều loài đặc hữu được ghi vào sách đỏ thế giới cần được bảo tồn và lưu giữ.
Hiện nay, Vườn còn chứa đựng nhiều bí ẩn về những loài thực vật cổ. Trong đó có nhiều loài đặc hữu chưa được nghiên cứu và khám phá. Vì vậy, Vườn quốc gia Hoàng Liên còn được công nhận là Vườn Di sản ASEAN./.