Hội thảo “Bodh Gaya - Hành trình tâm linh”: Sự hợp tác giữa du lịch Việt Nam và Ấn Độ để phục hồi du lịch
Hội thảo với chủ đề “Bodh Gaya - Hành trình tâm linh” nhằm mục đích nhìn nhận xu hướng du lịch giai đoạn “mở cửa phục hồi” của Ấn Độ và Việt Nam và cung cấp thông tin cho các bên liên quan về cơ hội và tiềm năng du lịch của bang Bihar, nơi có nhiều điểm đến Phật giáo tại Ấn Độ.
Toàn cảnh hội thảo
Buổi hội thảo có sự tham dự của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Trần Phong Bình, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, đại diện tới từ Bộ Du lịch Ấn Độ, Ban du lịch bang Bihar, Ban Quản lý Đền Bodh Gaya, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, Trụ trì Quan Âm Tu viện cùng hơn 120 đại biểu/đại diện công ty lữ hành Ấn Độ và Việt Nam.
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết, nhân lễ kỷ niệm 50 năm thiết lệ quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam sắp tới, ngành du lịch Ấn Độ đang nỗ lực tổ chức nhiều sự kiện du lịch, đặc biệt là các sự kiện về du lịch tâm linh để chào đón du khách quốc tế trở lại đất nước cũng như tạo điểm nhấn cho du lịch Ấn Độ. Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, Ấn Độ sẽ sớm khôi phục toàn bộ các đường bay quốc tế bao gồm cả đường bay khứ hồi Việt Nam. Để chuẩn bị cho việc phục hồi, Chính phủ Ấn Độ cùng với Bộ Du lịch và các bộ ngành liên quan đã thống nhất thực hiện một số ưu đãi như nới lỏng chính sách cấp thị thực (bao gồm thị thực điện tử), giảm phí cấp thị thực cho Việt Nam và khách du lịch quốc tế, xây dựng các kịch bản đón khách du lịch quốc tế theo tinh thần an toàn, hiệu quả, đồng thời đảm bảo các quy định về phòng chống dịch COVID-19.
Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam
Phó Tổng cụ trưởng Hà Văn Siêu đánh giá cao những nỗ lực của Ấn Độ trong quá trình phục hồi du lịch. Phó Tổng cục trưởng cũng khẳng định Tổng cục Du lịch nhất định sẽ thúc đẩy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Ấn Độ để đẩy mạnh sự phục hồi tốt hơn trong thời gian tới.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu (giữa) và Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch Trần Phong Bình (trái) tại buổi hội thảo
Cũng trong buổi hội thảo, Ông Trần Phong Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, TCDL Việt Nam đã có bài thuyết trình về các thông tin mới nhất về du lịch Việt Nam. Từ năm 2016 đến năm 2018, lượng khách từ Việt Nam đến Ấn Độ đã tăng gấp đôi, từ 16.728 lượt lên 31.427 lượt khách. Tương tự đối với lượng khách Ấn Độ tới Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2019, tăng từ 85.126 lượt khách đến 168.998 lượt khách.
Ông đã cung cấp thêm khái quát về tình hình du lịch Việt Nam trước và sau đại dịch, một số giải pháp để phục hồi và đặc biệt là việc ban hành các hướng dẫn, bao gồm hướng dẫn trước khi khởi hành cho khách du lịch gắn với 6 bước (Đặt tour, mua bảo hiểm y tế, đăng ký thị thực, sở hữu “hộ chiếu vắc-xin” hợp lệ, giấy chứng nhận tiếp nhận đủ liều vắc-xin và các xét nghiệm về COVID-19) và hướng dẫn 4 bước nhanh gọn khi đến sân bay Việt Nam. Ông cho biết thêm, Việt Nam hiện đã chuyển từ chiến lược “Zero Covid” sang chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”. Đồng thời, Việt Nam đã triển khai chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin” và đi du lịch theo các chương trình tour trọn gói từ cuối tháng 11/2021, cùng với chiến dịch truyền thông 'Trải nghiệm trọn vẹn tại Việt Nam' (Live fully in Vietnam) gắn với bộ nhận diện thương hiệu du lịch quốc gia : Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận (Vietnam - Timeless Charm) nhằm thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam; quảng bá du lịch Việt Nam trên website https://vietnam.travel/ và mạng xã hội của Tổng cục Du lịch với những thông tin thú vị, bổ ích cùng với những hình ảnh sinh động.
Việt Nam sẽ mở cửa lại các hoạt động du lịch kể từ ngày 15/3 tới đây trong điều kiện bình thường mới, với một số quy định mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam. Ông Bình đánh giá cao mối quan hệ song phương hơn 2000 năm hết sức đặc biệt giữa Việt Nam và Ấn Độ thông qua việc giao dịch thương mại và truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ vào Việt Nam. Ông chia sẻ Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích du khách đến tham quan du lịch Ấn Độ; mở lại đường bay kết nối trung tâm du lịch Việt - Ấn; hỗ trợ Ấn Độ tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm và các hoạt động truyền thông quảng bá du lịch tại mỗi quốc gia.
Về phía Ấn Độ, đại diện bộ Du lịch Ấn Độ đã bày tỏ sự quan trọng trong việc phục hồi du lịch và mong rằng trong thời gian tới, Ấn Độ có thể chào đón thêm nhiều du khách Việt Nam tới du lịch chiêm bái và khám phá Ấn Độ, chiếc nôi của Phật giáo; cũng như nói lên sự cấp thiết trong việc tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Đại diện bộ Du lịch Ấn Độ
Ông G. Kamala Vardhana Rao, đại diện Bộ Du lịch Ấn Độ chia sẻ rằng một trong những điểm đến mà du khách Ấn Độ và Việt Nam rất quan tâm là địa điểm hành hương về đất Phật. Ấn Độ đã thực hiện một số bước để tăng cường kết nối bao gồm xây dựng sân bay quốc tế mới tại Kushinagar, đường cao tốc nối các địa điểm Phật giáo và các tiện ích du lịch khác. Một số sự kiện văn hóa và các chương trình khác đã được lên kế hoạch để giới thiệu di sản Phật giáo và Ấn Độ mong muốn tiếp tục được chào đón các du khách Việt Nam.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu được nghe đại diện Bộ Du lịch Ấn Độ trình bày về tình hình du lịch Ấn Độ và sự kiện mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế; Di sản Phật giáo và tầm quan trọng đối với khách hành hương Việt Nam do Ni sư Thích Nữ Huệ Đức, Trụ trì Quan Âm Tu viện chia sẻ; cùng đó là thông tin cập nhật về du lịch bang Bihar cũng như cơ sở vật chất dành cho khách du lịch chiêm bái tại Bodh Gaya do ông Praghakar và ông Nangzey Doorjee giới thiệu.
Ni sư Thích Nữ Huệ Đức, Trụ trì Quan Âm Tu viện chia sẻ về di sản Phật giáo và tầm quan trọng đối với khách hành hương Việt Nam
Trung tâm Thông tin du lịch