Tin tức - Sự kiện

Hội thảo khoa học “Văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong phát triển bền vững”

Cập nhật: 03/10/2022 15:01:43
Số lần đọc: 966
(TITC) - Sáng ngày 30/9, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong phát triển bền vững” nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa ngày 24/11/2021.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại hội thảo. Ảnh TCDL

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, hòa cùng dòng chảy của văn hóa dân tộc, Vĩnh Phúc đã tạo dựng nên diện mạo vùng đất vừa mang hồn cốt chung của dân tộc Việt Nam, vừa mang cốt cách riêng của miền quê văn hiến, các thế hệ người dân Vĩnh Phúc đã đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, gian khổ, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, khát vọng, sáng tạo, đổi mới cùng dựng xây quê hương, đất nước.

Vĩnh Phúc tự hào là trung tâm sinh tụ, nơi phát lộ dấu tích của người Việt cổ, là miền giao thoa giữa vùng văn hóa Hùng Vương với văn hóa Kinh Bắc - Thăng Long, nơi lưu giữ hàng nghìn di tích lịch sử - văn hóa với đủ các loại hình; có nhiều làng nghề truyền thống, nổi tiếng cùng hàng trăm lễ hội độc đáo; có 3 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 4 di sản được ghi danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tại hội thảo, các nhà khoa học và đại biểu đã tham luận xung quanh vấn đề: Xây dựng văn hóa trong chính trị - nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng phẩm chất của người lãnh đạo; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Vĩnh Phúc trong phát triển kinh tế-xã hội; từ hệ giá trị con người Việt Nam, bàn về việc xây dựng con người Vĩnh Phúc; đặc trưng của con người Vĩnh Phúc trong lịch sử khoa cử Nho học ở Việt Nam.

Chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử tại địa phương và những khuyến nghị với tỉnh; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống để khai thác, phát triển du lịch ở Vĩnh Phúc; văn hóa tâm linh - thế mạnh và nguồn lực quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển du lịch bền vững; một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch văn hóa tại Vĩnh Phúc; số hóa nguồn tư liệu về di sản văn hóa của Vĩnh Phúc - yêu cầu tất yếu để phát triển…

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh TCDL

Bàn về phát triển du lịch văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng tài nguyên du lịch văn hóa của Vĩnh Phúc khá phong phú và đa dạng. Nếu được đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý và khai thác tốt, nguồn tài nguyên trên có thể trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được các vùng du lịch, dịch vụ trọng điểm tại thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên và các huyện Tam Đảo, Sông Lô, Bình Xuyên.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2019, du lịch tăng trưởng khá nhanh cả về lượng khách và doanh thu. Trong 3 năm từ 2018 - 2020, lượng du khách đến Vĩnh Phúc tăng trưởng bình quân 15%/năm, đóng góp quan trọng vào nguồn thu cho ngân sách, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Trong 2-3 năm trở lại đây, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, du lịch Vĩnh Phúc cùng với cả nước đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề. Tới nay, du lịch đã bắt đầu khởi sắc trở lại. Chính vì vậy, đây là thời điểm để nhìn nhận lại, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, thách thức, nắm bắt cơ hội để vực dậy thật mạnh mẽ.

Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch văn hóa, ông Nguyễn Quý Phương đề nghị ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc nghiên cứu, triển khai tổ chức điều tra, đánh giá và phân loại tài nguyên du lịch văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh để làm căn cứ xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp với đặc điểm, tính chất của tài nguyên và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch.

Tổ chức nghiên cứu, phân đoạn thị trường và xây dựng những sản phẩm văn hóa độc đáo, mới lạ và hấp dẫn như: Du lịch giáo dục, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dành cho học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu; Du lịch homestay khám phá về cuộc sống của người dân địa phương; Du lịch sáng tạo dựa trên những giá trị văn hóa; Tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh và lựa chọn một số món ăn để nghiên cứu đổi mới cách chế biến, trình bày, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, lựa chọn một số sản phẩm từ các làng nghề truyền thống và sản vật địa phương làm đồ lưu niệm cho khách du lịch.

Đồng thời tỉnh cần quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch trong nước và quốc tế cũng như tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghiên cứu, đề xuất chủ trương ban hành nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

Đồng thời yêu cầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đánh giá tổng thể về hiện trạng phát triển văn hóa Vĩnh Phúc hiện nay và đề xuất các giải pháp quản lý, phát triển các di tích lịch sử mang ý nghĩa biểu trưng văn hóa của tỉnh như: Tháp Bình Sơn, Đình Thổ Tang, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên- Tam Đảo, di chỉ Đồng Đậu, các di tích cách mạng, di tích lưu niệm Bác Hồ tại thị trấn Tam Đảo, di tích chiến khu Ngọc Thanh, tín ngưỡng thời mẫu Tây Thiên, hát Trống quân Đức Bác, hát Soọng cô. Công tác đầu tư, phát triển các lễ hội truyền thống, các tín ngưỡng thờ Mẫu, hoạt động quản lý, phát triển tại các làng tiến sỹ; công tác quản lý, phát triển hoạt động sáng tạo nghệ thuật; việc khai thác, quản lý các thiết chế văn hóa, hoạt động văn hóa ở cơ sở....

Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Vĩnh Phúc. UBND tỉnh sớm ban hành dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu du lịch, các tour, tuyến gắn với du lịch sinh thái, du lịch tâm linh tại Tây Thiên Tam Đảo, Văn Miếu. Phối hợp với các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan Trung ương trong đề xuất Nhà nước cấp bằng di tích, di sản cho một số di tích, di sản cụ thể. 

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT