Việt Nam - Lào thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Ngày hội giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch Việt Nam - Lào lần thứ 3 do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức nhằm hưởng ứng kỉ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 - 2022) và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào.
Dự hội thảo còn có Phó Cục trưởng Cục Phát triển Du lịch (Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào) Sổm Xay Sỉ Pạ Sợt; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng; lãnh đạo Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, Đài tiếng nói Việt Nam, một số tỉnh có liên kết phát triển du lịch với tỉnh Điện Biên và hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý du lịch ở trung ương, địa phương, các doanh nghiệp du lịch, hàng không của 20 tỉnh chung đường biên giới của Việt Nam và Lào.
Việt Nam và Lào có chung đường biên giới đất liền dài hơn 2.300 km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên. Đây là lợi thế và động lực to lớn để hai bên nỗ lực thúc đẩy vượt qua những khó khăn về địa hình hiểm trở, cùng nhau hợp tác, liên kết phát triển du lịch biên giới, tăng cường giao lưu trao đổi khách du lịch lẫn nhau đồng thời thu hút du khách từ nước thứ ba.
Đánh giá cao mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh, đây là tài sản vô cùng quý giá và cơ sở vững chắc cho hợp tác phát triển du lịch.
Với sự liên kết phát triển sản phẩm, xúc tiến du lịch trong khuôn khổ song phương và đa phương đã và đang triển khai, trao đổi khách du lịch hai nước năm 2019 (trước thời điểm đại dịch Covid-19) đã đạt trên 1,2 triệu lượt, trong đó khách Lào sang Việt Nam đạt hơn 98.000 lượt; khách Việt Nam sang Lào đạt 924 nghìn lượt. Việt Nam đứng thứ ba về gửi khách đến Lào.
Kể từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn ra đã gây những khó khăn chưa từng có trong giao lưu, hợp tác văn hóa và du lịch quốc tế nhưng không thể cản trở nỗ lực khôi phục du lịch của ngành du lịch hai nước.
Sau thời gian dài gần 2 năm đóng cửa, Việt Nam và Lào đã mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế ở tất cả các cửa khẩu đường không, đường bộ (Việt Nam từ ngày 15/3/2022, Lào từ ngày 9/5/2022). Sáu tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón gần 46,5 nghìn lượt khách Lào; khách Việt Nam đi du lịch Lào đạt gần 49,2 nghìn lượt, chiếm 28% tổng lượng khách quốc tế đến Lào, đứng thứ 2 trong số các thị trường gửi khách đến Lào.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu dự hội thảo
Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, hội thảo là cơ hội trao đổi, đánh giá tiềm năng, cơ hội và định hướng liên kết xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch khu vực biên giới, hợp tác xúc tiến quảng bá thu hút khách đến khu vực biên giới Lào - Việt Nam. Đây cũng là dịp chia sẻ kinh nghiệm hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương vùng biên giới, doanh nghiệp của hai nước Việt, Lào; cùng nhau tìm kiếm những giải pháp, sáng kiến cho phát triển du lịch vùng biên giới hai nước. Tạo cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch đẩy mạnh trao đổi thông tin, phát triển thị trường khách du lịch.
Phó Chủ tịch tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng cho biết, tỉnh Điện Biên có nhiều tài nguyên du lịch, trong đó có di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, 14 di tích lịch sử cấp quốc gia, 14 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, sự đa dạng văn hoá của 19 dân tộc, tài nguyên tự nhiên như hồ Pá Khoang, đèo Pha Đin, rừng cảnh quan môi trường Mường Phăng, du lịch tâm linh với 4 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia.
Để khai thác phát triển du lịch biên giới, tỉnh Điện Biên dự kiến sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ như: chủ động ngoại giao kinh tế, đổi mới và nâng cao chất lượng thông tin đối ngoại, phối hợp với các tỉnh của Lào tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch hai bên. Đồng thời, sẽ phối hợp với 2 tỉnh Phong Sa Ly và Luông Pha Băng của Lào tiếp tục kiến nghị Chính phủ hai nước quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng liên kết nối các cửa khẩu quốc tế và chợ biên giới Việt - Lào.
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường)
Trình bày tham luận tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) Trương Sỹ Vinh đã phân tích những tiềm năng phát triển du lịch tại khu vực. Ông kiến nghị việc phát triển du lịch biên giới Việt - Lào cần gắn với phát triển kinh tế các địa phương biên giới; nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi cho phát triển du lịch khu vực biên giới; rà soát và đơn giản hoá thủ tục hành chính, hải quan; tăng cường liên kết hợp tác phát triển sản phẩm và các điểm du lịch; đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực du lịch.
Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Đạo Dũng cũng như đại diện một số doanh nghiệp du lịch cho rằng, du lịch vẫn còn một số hạn chế về cơ sở hạ tầng đường bộ khi phải di chuyển mất nhiều thời gian, hạ tầng đường không chỉ đón được các máy bay nhỏ; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và còn yếu; thủ tục, quy định đăng kí đi du lịch vào vùng biên giới và thông quan du lịch xe tự lái; hạ tầng kết nối đến cửa khẩu và hạ tầng tại cửa khẩu; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khách qua cửa khẩu đường bộ; sản phẩm còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức…
Các doanh nghiệp kiến nghị, tỉnh Điện Biên cần hỗ trợ tăng cường xúc tiến quảng bá cho du lịch vùng biên giới; tổ chức các đoàn khảo sát du lịch Việt - Lào cho doanh nghiệp; tổ chức các buổi toạ đàm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý; chú trọng tới công tác truyền thông điểm đến. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị với các hãng hàng không mở lại đường bay kết nối Luông Pha Băng với Hà Nội; giảm giá vé bay giữa Hà Nội và Viêng Chăn… Các doanh nghiệp khẳng định sẽ nỗ lực tạo ra sự trải nghiệm đa dạng cho du khách trong chuyến đi, đặc biệt là các chuyến du lịch một chuyến đi hai điểm đến Việt - Lào.
Trung tâm Thông tin du lịch/Vụ Hợp tác quốc tế