Tin tức - Sự kiện

Hội thảo về Trao quyền cho cộng đồng địa phương thông qua du lịch bền vững

Cập nhật: 06/09/2024 15:17:04
Số lần đọc: 460
(TITC) - Chiều ngày 05/9, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc - Văn phòng hỗ trợ khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UN Tourism RSOAP) và Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Trao quyền cho cộng đồng địa phương thông qua du lịch bền vững”.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TITC

Đây là hoạt động có ý nghĩa trong khuôn khổ Hội chợ ITE HCMC 2024, hướng đến chủ đề “Du lịch bền vững - Kiến tạo tương lai”. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm tham dự của gần 200 chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý du lịch các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo du lịch…

Từ năm 2022, Văn phòng Hỗ trợ khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) và Trung tâm trao đổi du lịch châu Á-Thái Bình Dương (APTEC) với sự hỗ trợ của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã triển khai chương trình hợp tác quốc tế về phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam. Sau 3 năm, dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam và lan tỏa thành công của dự án; là cơ hội để chia sẻ các kinh nghiệm điển hình, các mô hình hiệu quả trong phát triển du lịch bền vững và hỗ trợ cộng đồng địa phương cũng như nhận diện những khó khăn, thách thức đối với phát triển du lịch và trao quyền cho cộng đồng địa phương thông qua du lịch bền vững, từ đó tìm được những giải pháp phù hợp nhất với du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Bà Chiaki Oya, Phó Giám đốc Văn phòng hỗ trợ khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC

Phát biểu khai mạc, bà Chiaki Oya, Phó Giám đốc Văn phòng hỗ trợ khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của du lịch dựa vào cộng đồng trong việc bảo tồn văn hóa và cải thiện sinh kế của người dân địa phương. Bà Chiaki Oya cũng khẳng định, sự hợp tác giữa các bên liên quan là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch.

Du lịch cộng đồng được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Việt Nam có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) là một đối tác quan trọng của du lịch Việt Nam.

Ông cho biết, ngành du lịch Việt Nam đang có đà phục hồi và phát triển tích cực sau đại dịch. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ổn định. 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón 11,4 triệu lượt khách quốc tế, đạt 63% so với mục tiêu đề ra của cả năm; khách du lịch nội địa đạt 90 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 587 nghìn tỷ đồng. Chính sách thị thực mới thông thoáng hơn đã tạo điều kiện thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và lưu trú dài ngày hơn.

Du lịch Việt Nam ngày càng khẳng định là điểm đến chất lượng, hấp dẫn đối với du khách khi nhiều năm liên tục được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vinh danh là điểm đến hàng đầu khu vực châu Á và thế giới về các sản phẩm du lịch bền vững, thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, di sản và điểm đến golf. Nhiều điểm đến nổi bật cũng đã được các hãng truyền thông lớn như CNN, BBC, các chuyên trang du lịch uy tín TripAdvisor, Telegraph… xếp hạng hàng đầu thế giới.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu tặng quà cho bà Chiaki Oya, Phó Giám đốc UN Tourism RSOAP. Ảnh: TITC

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các điểm đến khác trong khu vực, cũng như thách thức từ tình hình thế giới, các xu hướng du lịch mới nổi và thay đổi nhu cầu của du khách sau đại dịch. Có thể nhận thấy khách du lịch sau đại dịch có xu hướng đi du lịch ngắn ngày hơn, tự đặt các dịch vụ và quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch…

Những thay đổi này đòi hỏi các điểm đến, các doanh nghiệp du lịch cần nhanh chóng nắm bắt xu hướng để kịp thời nghiên cứu, hình thành và khai thác các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, hỗ trợ cộng đồng cùng tham gia phát triển du lịch nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, đồng thời vẫn đảm bảo thân thiện, hài hòa đối với môi trường.

Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC

Nhận thấy du lịch bền vững và có trách nhiệm trở thành một xu hướng sau đại dịch, Văn phòng hỗ trợ khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UN Tourism đã xây dựng “Sổ tay hướng dẫn quản lý điểm đến bền vững thông qua du lịch” và tổ chức hội thảo tại một số địa phương ở Việt Nam để phổ biến sổ tay này. Với mong muốn tiếp tục hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam, UN Tourism tổ chức Hội thảo này tập trung hơn vào việc thu hút sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng địa phương.

Phó Cục trưởng khẳng định những thông tin, kinh nghiệm thực tiễn, mô hình du lịch cộng đồng và khuyến nghị được chia sẻ tại hội thảo sẽ giúp các điểm đến của Việt Nam tự tin hơn trong quá trình phát triển du lịch theo hướng bền vững và bao trùm, kết hợp khai thác các sản phẩm du lịch với sự tham gia hiệu quả của người dân bản địa, đồng thời hỗ trợ phát triển sinh kế và thu nhập để du lịch thực sự trở thành một động lực phát triển bền vững của địa phương.

Lãnh đạo và các diễn giả chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TITC

Tại hội thảo, ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết Thành phố luôn chú trọng phát triển các mô hình du lịch bền vững, không chỉ tập trung vào du khách quốc tế mà còn chú trọng sự tham gia của cộng đồng địa phương, điển hình là mô hình du lịch cộng đồng tại Củ Chi, Cần Giờ. Trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững không chỉ là tạo việc làm, thu nhập bền vững cho người dân mà còn giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại địa phương, đào tạo kỹ năng, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân địa phương.

Hội thảo đã lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài nước trình bày các tham luận, chia sẻ về kinh nghiệm, mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở nhiều nơi. Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Du lịch và Phát triển Kinh tế (ITEDR) đã chia sẻ về việc thực hành du lịch cộng đồng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt các mô hình du lịch cộng đồng đang rất thành công tại Vĩnh Long. Ông Natthawut Chaengkrachang, Nghiên cứu viên Cục Quản lý du lịch bền vững (DASTA) tại tỉnh Nan, Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững ở một số địa phương của Thái Lan, đặc biệt là tại làng Bo Suak. Bà Nobuko Otsuki, Trưởng đại diện Tổ chức cứu trợ/Phát triển quốc tế (FIDR) tại Việt Nam đã trình bày các kinh nghiệm trong phát triển du lịch cộng đồng và hỗ trợ cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam…

Trong phiên thảo luận, các diễn giả đã chia sẻ quan điểm về những yếu tố dẫn đến thành công cũng như những thách thức trong việc phát triển các dự án du lịch cộng đồng mà họ đang theo đuổi.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Ảnh: TITC

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 06/9/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT